Nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng dù đã hơn hai ngày kể từ khi xảy ra sự cố máy bay hạ độ cao đột ngột gây rung lắc, khiến hành khách văng lên trần, hơn 50 người bị thương tích.
Sự việc xảy ra khi máy bay của hãng hàng không LATAM Airlines chở theo 263 hành khách, 9 thành viên phi hành đoàn trên hành trình từ Sydney (Australia) tới Auckland (New Zealand) ngày 11/3.
“Thật đáng sợ, tôi vừa mở mắt ra thì thấy nhiều người văng lên trần máy bay, sau đó rơi xuống sàn”, một hành khách trên chuyến bay mô tả.
Thông tin ban đầu cho biết sự cố kỹ thuật khiến phi công mất kiểm soát máy bay, dẫn tới hạ độ cao đột ngột. Các cơ quan chức năng và hãng bay vẫn đang điều tra nguyên nhân thực sự, trong đó không loại trừ khả năng cao máy bay gặp nhiễu động không khí.
Dù vậy, sự cố trên đã để lại lời cảnh tỉnh cho tất cả hành khách về việc nên thắt dây an toàn khi ngồi trên máy bay, dù đèn cảnh báo thắt dây an toàn có bật hay không.
Theo báo cáo năm 2021 của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Hoa Kỳ (NTSB), máy bay đi vào vùng nhiễu loạn không khí là sự cố mất an toàn hàng không phổ biến nhất, gây ra nhiều thương tích cho hành khách từ gãy xương, bỏng cấp độ hai, cấp độ ba, cho đến tổn thương cột sống hoặc chấn thương vùng đầu.
Trong đó, các thành viên phi hành đoàn thường xuyên phải di chuyển trên máy bay nên chiếm tới 80% trong số 163 ca thương tích nghiêm trọng liên quan đến sự cố nhiễu động không khí từ năm 2009-2022, trong khi hành khách chiếm 20% còn lại và chủ yếu đều do không thắt dây an toàn.
Nhiều hãng hàng không cũng đã cảnh báo rõ nguy cơ chấn thương trong các tình huống máy bay chuyển động đột ngột và cảnh báo hành khách thắt dây an toàn tại nhiều thời điểm trên chuyến bay. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều khách phớt lờ cảnh báo, dẫn tới nhiều vụ việc đáng tiếc, bên cạnh sự cố ngày 11/3 của LATAM Airlines.
Vào tháng 3/2023, một chiếc Airbus A330 của hãng hàng không Đức Lufthansa đã gặp phải nhiễu động không khí khi vừa cất cánh từ Austin (Texas) khiến 7 người phải nhập viện. Các nhân chứng mô tả khi đó nhiều người và đồ ăn "bị hất lên không trung”, tương tự như cảnh tượng hàng loạt khách bay lên trần máy bay trên chuyến bay của LATAM Airlines vừa qua.
Vài tháng sau, vào tháng 7/2023, ba người phải nhập viện khi chiếc Airbus A330 của Hawaiian Airlines đột ngột hạ độ cao trong lúc bay từ Honolulu (Hawai, Mỹ) đến Sydney (Australia). Hành khách cũng kể lại rằng có người không thắt dây an toàn đã bị nảy lên, suýt đập đầu vào trần máy bay nhưng đã được một người khác kéo xuống.
Một chuyến bay khác của Hawaiian Airlines xảy ra sự cố tương tự vào tháng 12/2022, khiến 36 hành khách bị thương, nhiều người va chạm với trần máy bay dù đèn cảnh báo thắt dây an toàn đã được bật, theo Giám đốc điều hành hãng hàng không Jon Snook.
Dây an toàn còn cứu mạng hành khách trong cả những tình huống hy hữu không ai lường trước.
Điển hình như trong vụ máy bay Boeing 737 Max của Alaska Airlines rơi cửa hồi tháng 1, một vị khách đã bị áp suất hút bay cả áo sơ mi đang mặc trên người ra bên ngoài máy bay, nhưng người này vẫn giữ được mạng sống nhờ dây an toàn giữ chặt người trên ghế ngồi máy bay.
Có thể thấy, dây an toàn giúp cứu mạng và giảm thiểu thương tích cho hành khách và phi hành đoàn trong phần lớn các sự cố trên không.
Điều này đã được NTSB kết luận trong báo cáo năm 2021, khẳng định hành động thắt dây an toàn tuy đơn giản nhưng hoàn toàn có thể hạn chế nguy cơ chấn thương nghiêm trọng cho tất cả người ngồi trên máy bay trong các sự cố nhiễu động không khí.
Video nhiều hành khách lo sợ sau khi máy bay của hãng hàng không LATAM Airlines gặp sự cố, rung lắc mạnh (Nguồn: NZ Herald)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận