Ngày 28/11, Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau mở phiên tòa xét xử phúc thẩm nhóm ngư dân hành hạ dã man bạn tàu trên biển, gây chấn động dư luận.
Chấp nhận một phần kháng cáo
Tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử cho rằng, bị hại là ông Trương Văn Trung (47 tuổi, ngụ huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang) chỉ kháng cáo tăng mức bồi thường dân sự của vụ án. Các bị cáo không kháng cáo và không bị kháng cáo, kháng nghị về tội danh hình phạt.
Do đó, bản án sơ thẩm đã có hiệu lực về phần trách nhiệm hình sự nên cấp phúc thẩm không xem xét mức hình phạt hình sự của các bị cáo.
Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm nhận thấy tòa cấp sơ thẩm áp dụng luật chưa đúng một phần bồi thường thiệt hại, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của bị hại. Do đó, cấp phúc thẩm tuyên xử chấp nhận một phần kháng cáo của bị hại và sửa một phần bản án sơ thẩm về phần án phí và trách nhiệm dân sự.
Cụ thể, buộc các bị cáo Toàn, Tạc, Tị, Của và Tâm bồi thường cho bị hại Trương Văn Trung hơn 158 triệu đồng. Án phí sơ thẩm gần 30 triệu đồng của ông Trung được miễn hoàn toàn.
Trước đó, Tòa án nhân dân huyện Trần Văn Thời đưa ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Công Toàn (37 tuổi) 6 năm 6 tháng năm tù; Đoàn Văn Tạc (41 tuổi); Nguyễn Văn Tị (34 tuổi); Nguyễn Văn Của (32 tuổi) mỗi bị cáo 5 năm 9 tháng tù và Sử Chí Tâm 2 năm 6 tháng tù cùng về tội "Hành hạ người khác" và "Cố ý gây thương tích".
Đồng thời, các bị cáo phải chịu trách nhiệm bồi thường cho ông Trương Văn Trung số tiền hơn 90 triệu đồng.
Sau khi có bản án sơ thẩm, ông Trung đã làm đơn kháng cáo lên cấp phúc thẩm phần dân sự, yêu cầu các bị cáo bồi thường hơn 700 triệu đồng, gồm: Thiệt hại về tinh thần, chi phí cứu chữa, thu nhập bị mất hoặc bị giảm sút… để bù đắp phần nào cho cuộc sống của ông Trung sau này.
Nạn nhân bị hành hạ 12 lần
Theo cáo trạng, ngày 4/1/2022, tàu cá BT-97993-TS do Trần Công Toàn làm thuyền trưởng và tàu cá BT 93599 - TS do ông T.T (ngụ Bến Tre) làm thuyền trưởng, xuất bến tại cửa biển Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời). Cả hai tàu do bà Phạm Thị Hà (mẹ của Toàn) làm chủ.
Trên tàu cá do Toàn làm thuyền trưởng có 6 người gồm: ông Trương Văn Trung, Tạc, Của, Tị, Tâm và Nguyễn Văn Hùng (Hùng làm được một thời gian thì anh Lê Văn Bình ra thay cho Hùng vào bờ). Còn tàu cá do ông T.T làm thuyền trưởng chỉ có một ngư dân tên Cường.
Quá trình đánh bắt trên biển, thấy ông Trung làm việc không đạt, Toàn đã nhắc nhở nhiều lần, nhưng ông Trung vẫn không khắc phục được.
Sau đó, Toàn liên hệ với ông B.L (là người môi giới thuê ngư phủ đi biển ở thị trấn Sông Đốc) yêu cầu điều người khác ra thay cho ông Trung, nhưng ông L không đồng ý.
Vì vậy, Toàn bực tức và trút giận lên ông Trung bằng cách ra lệnh cho những người trên tàu, nếu ông Trung làm không được hoặc làm hư hỏng gì cứ việc đánh, Toàn sẽ chịu trách nhiệm.
Khi được Toàn ra lệnh, Tạc, Tị, Của và Tâm đã nhiều lần đánh đập, hành hạ ông Trung một cách dã man.
Cáo trạng cho thấy, trong khoảng thời gian từ đầu tháng 2 đến cuối tháng 5/2022, ông Trung bị đánh 12 lần.
Lần cuối ông Trung bị đánh là khoảng cuối tháng 5/2022. Hôm đó, cả ông Trung và anh Bình đều bị đánh và bị bẻ răng.
Đến ngày 30/5/2022, Toàn thấy ông Trung bị thương tích nhiều nên cho ông Trung và anh Bình đi nhờ ghe khác vào bờ. Sau khi vào bờ, ông Trung và anh Bình đến trình báo chính quyền địa phương.
Quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Trần Văn Thời đã ra quyết định khởi tố Trần Công Toàn, Đoàn Văn Tạc, Sử Chí Tâm, Nguyễn Văn Tị, Nguyễn Văn Của.
Theo kết luận của trung tâm pháp y, tỷ lệ thương tích của ông Trung do bị bạo hành là 48%.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận