Thời sự Quốc tế

Vụ va chạm máy bay Nhật: 379 người thoát chết nhờ kỷ luật hàng không “viết nên bằng máu”

03/01/2024, 20:01

Nhờ kinh nghiệm từ những vụ tai nạn thảm khốc, quá trình huấn luyện đào tạo bài bản và văn hóa cẩn trọng trong công việc, phi hành đoàn Nhật Bản đã giúp gần 400 người thoát chết giữa thảm cảnh máy bay phát nổ như quả cầu lửa hôm 2/1.

Hành động của phi hành đoàn quyết định mạng sống cả chuyến bay

Ngày 2/1, chuyến bay chở 379 hành khách của Japan Airlines đã bùng cháy như quả cầu lửa, sau khi va chạm với máy bay của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản tại sân bay Haneda (Tokyo).

Tuy 5 người trên máy bay của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản không qua khỏi nhưng giữa thảm cảnh, người ta nhìn thấy điều kỳ diệu khi toàn bộ 379 hành khách cùng phi hành đoàn trên chiếc Airbus A350 sống sót.

Máy bay Japan Airlines bốc cháy ngùn ngụt tại sân bay Haneda (Tokyo)

Trong khi giới chức Nhật Bản đang điều tra vụ việc, các chuyên gia cho rằng kỳ tích giải cứu gần 400 người trên máy bay là nhờ kỷ luật thép “viết nên bằng máu” đúc rút từ nhiều kinh nghiệm của Nhật Bản, tạo nên tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt và văn hóa trong các tình huống khẩn cấp.

Trước sự kỳ diệu này, Giáo sư Graham Braithwaite, chuyên gia điều tra an toàn và tai nạn Đại học Cranfield (Anh) bày tỏ rất nhẹ nhõm khi thấy toàn bộ người trên chuyến bay được giải cứu, nhưng ông không cảm thấy quá bất ngờ.

“Đó là sự cố quá nghiêm trọng mà một chiếc máy bay có thể chịu đựng. Nhưng với những gì tôi biết về Japan Airlines và những nỗ lực của họ để đảm bảo an toàn và huấn luyện phi hành đoàn, việc giải thoát thành công như vậy không có gì đáng ngạc nhiên”, ông chia sẻ.

Vụ va chạm máy bay Nhật: 379 người thoát chết nhờ kỷ luật hàng không “viết nên bằng máu”- Ảnh 1.

Chiếc máy bay của Japan Airlines cháy rụi sau vụ tai nạn kinh hoàng hôm 2/1 (Ảnh: AP)

Ông Braithwaite cho biết, tai nạn máy bay trên đường băng như tình huống trên là rất hiếm gặp nhưng một khi xảy ra, đó chính là thảm họa lớn.

Năm 2019, một vụ tai nạn tương tự xảy ra khi máy bay Aeroflot bốc cháy khi hạ cánh tại Moscow (Nga), khiến 41/73 người trên máy bay thiệt mạng.

Năm 1985, một máy bay của British Airtours đã bốc cháy khi cất cánh trên đường băng của sân bay Manchester (Anh), khiến 55 người thiệt mạng, chủ yếu do ngạt khói.

Năm 1980, chuyến bay 163 của Ả rập Xê út cũng xảy ra cháy. Dù hạ cánh thành công nhưng phi hành đoàn đã chậm trễ đưa ra lệnh sơ tán, khiến toàn bộ 301 người trên máy bay chết vì ngạt khói.

Còn trong sự cố lần này, phản ứng nhanh chóng và bình tĩnh của phi hành đoàn đã cứu sống gần 400 người.

Các tiếp viên bình tĩnh, hành khách giữ vị trí trật tự khi thảm kịch máy bay xảy ra hôm 2/1

Trước hết, tiếp viên hàng không đề nghị hành khách giữ bình tĩnh, làm theo hướng dẫn. Chỉ vài giây sau khi máy bay dừng lại, máng thoát hiểm được bơm căng. Hành khách trên máy bay nhanh chóng được đưa ra ngoài, ngay cả khi khoang máy bay ngập khói lửa.

Ông Satoshi Yamake, 59 tuổi, hành khách có mặt trên chuyến bay, cho biết một số hành khách khá lo lắng, hoảng sợ. Tuy vậy, thành viên phi hành đoàn đã nhanh chóng hướng dẫn hành khách sơ tán khỏi máy bay và quá trình này diễn ra tuần tự, suôn sẻ.

Chủ tịch Tổ chức PilotsTogether Steven Ehrlich, cho biết còn quá sớm để bình luận chi tiết về vụ việc, nhưng rõ ràng là phi hành đoàn đã hành động một cách hoàn hảo.

Ông Steven Ehrlich khẳng định, quá trình huấn luyện an toàn nghiêm ngặt mà các hãng hàng không yêu cầu phi hành đoàn thực hiện đã mang lại kết quả, hành khách đã sơ tán nhanh chỉ trong vòng 90 giây.

Chủ tịch Tổ chức PilotsTogether Steven Ehrlich
Hành khách cần chú ý đến các hướng dẫn an toàn và luôn nhớ phi hành đoàn không phải là nhân viên dịch vụ, phục vụ ăn uống. Họ xứng đáng được tôn vinh là những chuyên gia an toàn được đào tạo bài bản

Kỷ luật "viết nên bằng máu" tạo ra kỳ tích cứu nạn hàng không

Theo CNN, phi hành đoàn là những người biết rõ quy định an toàn hàng không "được viết bằng máu của những người không may mắn".

Theo tiêu chuẩn an toàn tối thiểu quốc tế do Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) đặt ra, yêu cầu phi hành đoàn phải thực hành sơ tán khẩn cấp hàng năm. Các nhà sản xuất cũng phải chứng minh máy bay của mình cho phép sơ tán hành khách hoàn toàn chỉ trong 90 giây.

Theo ông Graham Braithwaite, nhiều thiết kế trên máy bay như đèn dọc theo sàn cabin, mở rộng không gian quanh cửa thoát hiểm, vật liệu trong cabin, cánh tà,... được sáng chế dựa trên kinh nghiệm từ các vụ tai nạn hàng không.

Vụ va chạm máy bay Nhật: 379 người thoát chết nhờ kỷ luật hàng không “viết nên bằng máu”- Ảnh 4.

Thiết kế khoang hành khách trên máy bay phải tuân thủ nghiêm ngặt nhiều quy chuẩn an toàn hàng không

Bên cạnh đó, các hãng hàng không cũng đưa ra các quy định bổ sung. Điển hình như British Airways, sau vụ tai nạn ở Manchester năm 1985, hãng đã quy định nghiêm ngặt về vật liệu sử dụng trong cabin. Công ty cũng yêu cầu phi hành đoàn diễn tập các hoạt động sơ tán cứu nạn 6 tháng một lần và phải luyện tập trong thiết bị mô phỏng được bơm đầy khói.

"Kinh nghiệm đào tạo phi công và xử lý các sự cố bất thường đã phát triển trong nhiều thập kỷ, đến mức có thể nói chúng ta đang ở thời kỳ an toàn nhất của ngành hàng không", một phi công giấu tên chia sẻ với CNN.

Không riêng gì các hãng hàng không thế giới, một vụ tai nạn thảm khốc cách đây gần 40 năm đã giúp Japan Airlines vỡ ra nhiều bài học đắt giá để trở thành một hãng hàng không đảm bảo an toàn cao độ.

Vụ va chạm máy bay Nhật: 379 người thoát chết nhờ kỷ luật hàng không “viết nên bằng máu”- Ảnh 5.

Hiện trường vụ tai nạn máy bay Japan Airlines năm 1985 khiến 520 người thiệt mạng (Ảnh: The Japan Times)

Ngày 12/8/1985, chuyến bay 123 của Japan Airlines từ Tokyo đến Osaka đã rơi, khiến 520 trong số 524 người thiệt mạng, sau khi đoàn kỹ thuật Boeing sai lầm khi sửa chữa phần đuôi máy bay.

Từ đó, quy chuẩn vận hành và cứu nạn cứu hộ nghiêm ngặt được ra đời, cùng với văn hóa thận trọng trong từng thao tác công việc.

Thậm chí năm 2005, nhận ra thế hệ nhân viên mới không còn ký ức về vụ tai nạn thảm khốc 20 năm trước, Japan Airlines đã mở một không gian trong trụ sở trưng bày các mảnh vỡ cũng như câu chuyện của phi hành đoàn và hành khách trên chuyến bay định mệnh năm ấy.

Đây là một sự nhắc nhớ giúp mọi người hiểu được những nỗ lực “được viết nên bằng máu” để đạt được sự an toàn hàng không.

Chỉ mới tuần này, Japan Airlines đã được Airlineratings vinh danh trong top 25 hãng hàng không an toàn nhất thế giới.

Ông Geoffrey Thomas, Tổng biên tập Airlineratings, cho biết: “Japan Airlines đã đạt kỷ lục an toàn kể từ năm 1985. Vụ tai nạn năm ấy thực tế không phải do lỗi của hãng hàng không mà là do lỗi kỹ thuật của Boeing”.

“Japan Airlines được đánh giá là hãng hàng không 7 sao hàng đầu và đã vượt qua tất cả các cuộc kiểm tra an toàn quan trọng. Ngoài ra, cơ quan quản lý an toàn hàng không của Nhật Bản thực hiện tốt hơn 8 tiêu chí so với mức trung bình của thế giới về tuân thủ an toàn hàng không”, ông chia sẻ.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.