Tàu Hải Đăng 05 tiếp tế hàng hóa, nhu yếu phẩm cho Trạm Hải Đăng Đá Lát |
Sau hơn chục năm, con tàu này đang dần xuống cấp, thủy thủ đoàn và tất cả cán bộ trên các đảo đèn đều mong có một con tàu lớn, tốc độ cao hơn có thể vượt bão làm nhiệm vụ trên biển.
Mang hơi ấm từ đất liền ra đảo, đèn
Tàu Hải Đăng 05 hú một hồi còi dài rồi từ từ rời cảng Vũng Tàu, rẽ sóng ra khơi nhắm thẳng hướng đảo Đá Lát. Theo lịch trình, đây là đảo đầu tiên trong 9 đảo tàu sẽ dừng lại để tiếp tế nhu yếu phẩm, thay công nhân trạm đèn, cung cấp trang thiết bị cho các trạm đèn hải đăng.
Anh Trần Văn Nga, thuyền trưởng Hải Đăng 05 cho biết, nếu biển êm, sóng không quá cấp IV và thời tiết thuận lợi, khoảng gần hai ngày đêm sẽ đến Đá Lát, dừng chờ và tiếp tế xong sẽ đi đảo Đá Tây cách khoảng một ngày đường. Nếu thuận lợi, khoảng 14 ngày sẽ thực hiện xong nhiệm vụ tiếp tế ở 9 trạm đèn nằm ở 9 đảo khu vực Trường Sa. Số hàng tiếp tế đợt này khoảng hơn chục tấn, bao gồm rau quả, thịt, nước ngọt, dầu ăn, nước mắm, bình ắc-quy, xuồng máy, máy phát điện và các nhu yếu phẩm khác...
Hải Đăng 05 thuộc quản lý của Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Biển Đông và Hải đảo (thuộc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam, Bộ GTVT), là con tàu duy nhất chuyên thực hiện nhiệm vụ tiếp tế cho các trạm hải đăng trong hệ thống đảo Trường Sa. Mỗi năm, Hải Đăng 05 thực hiện khoảng 7 chuyến tiếp tế. Trung bình cứ 1,5 tháng tàu lại ra khơi một lần. Ngoài nhiệm vụ tiếp tế, thay công nhân, Hải Đăng 05 còn đưa các cán bộ kỹ thuật khảo sát, sửa chữa, bảo dưỡng các trạm đèn, chở cán bộ kỹ thuật của Trạm quản lý bay từ đất liền ra đảo và ngược lại, cung cấp nhu yếu phẩm cho các hộ dân trên đảo...
“Anh em ở trạm vẫn gọi Hải Đăng 05 là tàu tiếp tế huyết mạch trên biển Đông. Cứ đến kỳ tiếp tế là mong ngóng lắm, nhìn xa xa thấy bóng con tàu quen thuộc là mừng, yên tâm vững dạ để tiếp tục nhiệm vụ cao cả canh cho những ngọn hải đăng sáng mãi trên biển Đông. Nói văn nghệ một chút thì đây là con tàu mang hơi ấm từ đất liền ra trạm đèn”, anh Trần Văn Chiến, Trạm trưởng Hải đăng Đá Lát nói.
>>> Xem thêm video:
Vất vả những hành trình
Hải Đăng 05 được đóng từ năm 2005, đến nay đã hoạt động 11 năm. Theo thiết kế, tàu có trọng tải khoảng gần 500 tấn, dài hơn 60m, với 1 máy chính công suất 1.000 CV, tốc độ bình quân chỉ đạt 7 hải lý/h và chỉ hoạt động được trong điều kiện sóng dưới cấp 5, cấp 6. Thủy thủ đoàn gồm 19 người và được chở thêm 11 khách.
“Tốc độ tàu chỉ trung bình 7 hải lý/h. Nếu sóng quá cấp V, cấp VI thì không đi được nên anh em thuyền viên vất vả lắm. Nhưng không vì thế mà tàu không ra khơi, bởi tất cả các trạm đèn Hải Đăng ở Trường Sa đều chỉ trông chờ vào chuyến tàu này để được tiếp tế lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống và cả trang thiết bị nữa. Do đó, dù điều kiện khó khăn thế nào tàu cũng đi, nhưng phải tránh trú nhiều và thời gian hành trình không thể chủ động được”, Thuyền trưởng Nga nói và cho biết thêm, mùa biển động, hành trình tiếp tế thường bị kéo dài do sóng lớn thường xuyên cấp VII, cấp VIII, gió to và hay gặp áp thấp, bão trên biển Đông. Cũng chính vì tốc độ tàu đạt thấp nên việc di chuyển mùa này khó khăn lắm.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đã làm việc với Tổng công ty Bảo đảm An toàn hàng hải miền Nam. Đối với Dự án đầu tư tàu tiếp tế, kiểm tra khu vực quần đảo Trường Sa và dự án đóng tàu tìm kiếm cứu nạn xa bờ, Bộ trưởng giao Vụ Kế hoạch & Đầu tư tiếp tục có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định tiếp tục bố trí vốn để triển khai đầu tư. Đồng thời, nghiên cứu thêm phương án tìm kiếm, nhận tàu hỗ trợ trong giai đoạn ngân sách Nhà nước còn khó khăn. |
Anh Nga nhớ lại hồi cuối năm 2012 khi đang thực hiện nhiệm vụ tiếp tế tại đảo Nam Yết nghe tin bão đã đến gần. Lúc đấy có một tàu Hải Quân đang neo cùng. Thuyền trưởng tàu Hải Quân có đánh tiếng rủ tàu Hải Đăng 05 đi tránh bão ở đảo Tốc Tan. Nhưng từ đây sang đấy xa lắm, bão đang đến gần, trong khi tàu mình sức yếu khó chạy kịp bão. Nếu chẳng may đi đến giữa biển gặp bão thì nguy to. Thế nên anh em quyết định ở lại giữ tàu.
“Cả đêm hôm ấy và nửa ngày hôm sau, tàu bị bão quật nghiêng ngả, chao đảo. Tôi ra lệnh thả hai neo nhưng cũng không thể giữ nổi nên tàu bị trôi mạnh, phải nổ máy đẩy đi ngược chiều bão, cố giữ tàu đúng vị trí. Lúc đấy có thời khắc tôi đã nghĩ phải bỏ tàu để giữ tính mạng anh em thuyền viên, nhưng rồi quyết tâm giữ tàu lại ập đến. Rồi mọi chuyện cũng qua”, anh Nga kể lại.
Còn anh Khương, thuyền viên đã có kinh nghiệm hơn chục năm đi biển cho biết, chuyến đi đấy là đáng nhớ nhất trong suốt quãng đời làm thủy thủ. Năm đấy không hiểu sao bão lớn và nhiều thế, hết cơn này đến cơn bão khác, biển động. Tàu Hải Đăng 05 cứ phải chờ cả tuần trời tại một vị trí đảo để chờ sóng nhỏ hơn mới có thể di chuyển sang các đảo khác tiếp tế. Kỷ lục nhất là phải nằm ở đảo Đá Tây khoảng 21 ngày chờ biển lặng. Gần 40 ngày trời lênh đênh trên biển trong sóng to, gió lớn, bão và áp thấp thất thường khiến ai cũng mệt mỏi.
“Dù biết là bão lớn, nhưng không ai dám bỏ tàu khi chưa có lệnh của thuyền trưởng. Bỏ tàu chỉ là giải pháp cuối cùng khi con tàu không thể chống chọi được nữa trong cơn bão có sức gió cấp XV, biển động trên cấp X. Chuyến đấy, lương thực trên tàu gần như đã cạn. Nước ngọt hết, chúng tôi phải bơm nước dằn tàu lên để sử dụng”, anh Khương nói và nhớ lại một thời gian sau đó, khi tàu đang tiếp tế đến đảo Đá Tây thì gặp sự cố, máy chính bị hỏng tuabin tăng áp không thể khắc phục và buộc phải nằm chờ cứu hộ ra kéo về.
Thực tế, có đi trên tàu Hải Đăng 05 mới thấy tàu đã xuống cấp sau hơn chục năm hoạt động liên tục trên biển. Nhiều chỗ thép đã hoen gỉ, sàn tàu bị dột một số chỗ, hệ thống khu phụ đã xuống cấp, phòng khách và phòng nghỉ cho thuyền viên chật chội. Khu vực nhà bếp cũng đã xuống cấp...
Anh Nga cho biết thêm, dù con tàu thường xuyên được bảo dưỡng, đánh giá hư hỏng để khắc phục nhưng với tần suất hoạt động liên tục và dài ngày thất thường trên biển, cộng thêm điều kiện thời tiết khắc nghiệt như hiện nay cũng khó khắc phục triệt để được.
Mong lắm một con tàu mới
Đó là mong mỏi của các anh em thuyền viên tàu Hải Đăng 05 cũng như công nhân trạm đèn. Nếu như có một con tàu mới có công suất máy tốt hơn, chiều dài tàu đủ gối hai ngọn sóng, chạy nhanh hơn thì các chuyến tiếp tế trên biển Đông sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Tàu có thể đi trong sóng cấp VII, cấp VIII, tốc độ nhanh hơn nên có thể rút ngắn thời gian hành trình. Từ đó tiếp tế đúng lịch trình khiến anh em trạm đèn không còn phải mong ngóng hàng hóa từ đất liền.
“Nếu thời gian tiếp tế được rút ngắn xuống còn khoảng chục ngày sẽ tái tạo lại được sức lao động nhanh chóng cho thuyền viên, tàu cũng được bảo dưỡng kỹ hơn sẽ như tiếp thêm sức mạnh cho công nhân các trạm Hải Đăng yên tâm làm nhiệm vụ, từ đó góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo”, Thuyền trưởng Nga cho biết.
Ông Nguyễn Đức Huy, Phó giám đốc Công ty Bảo đảm an toàn Hàng hải Biển Đông và Hải đảo cũng bày tỏ mong mỏi có một con tàu mới mạnh mẽ hơn để tiếp thêm sức mạnh cho các trạm Hải Đăng ở Trường Sa. Còn hiện tại, dù biển có thế nào, sóng to gió lớn đến đâu, Hải Đăng 05 vẫn sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.
“Có thể thời tiết khắc nghiệt trên biển Đông và các yếu tố khác khiến lịch trình không thể đúng như dự kiến, nhưng Hải Đăng 05 nhất định vẫn ra khơi, nhất định phải đến với công nhân trạm Hải Đăng bằng bất cứ giá nào”, ông Huy nói.
Từ nay đến cuối năm, Hải Đăng 05 còn một chuyến tiếp tế nữa theo đúng lịch trình. Chuyến này thường là mang cả mùa Xuân từ đất liền ra đảo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận