Ngay sau nhận thông tin phản ánh của Báo Giao thông về các vết nứt mặt bê tông xuất hiện tại gói thầu số 13 (hạng mục đập số 1) thuộc Dự án hồ chứa nước Krông Pách Thượng (Đắk Lắk) ngày 11/5, chủ đầu tư (Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã chủ trì cùng với tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế và nhà thầu thi công đã tổ chức kiểm tra thực tế công trình, xác định các khiếm khuyết về nứt bê tông mặt đập.
Đoàn công tác kiểm tra hiện trường đập đất Krông Pách Thượng (Ảnh: N.H)
Kiểm tra, khắc phục vết nứt bề mặt các tấm bê tông
Trong hai ngày 12, 13/5, đại diện Cục Quản lý xây dựng công trình (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cùng với chủ đầu tư, các chuyên gia, đơn vị tư vấn giám sát, nhà thầu trực tiếp đi kiểm tra thực tế, xác định nguyên nhân các vị trí tấm bê tông có các vết nứt bề mặt để đưa ra giải pháp khắc phục.
Báo cáo với đoàn công tác, ông Vương Quốc Thiết, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng thủy lợi 8 cho biết, công trình hồ chứa nước Krông Pách Thượng với dung tích 123 triệu m3, với 3 hạng mục đập đất, 2 tràn xả lũ và cống lấy nước, sau hoàn thành sẽ cấp nước tưới cho 14.900ha đất nông nghiệp, tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho 73 ngàn người; phòng, cắt giảm lũ cho hạ du, góp phần cải thiện khí hậu vùng dự án, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của tỉnh Đắk Lắk.
Hiện, dự án đang được khẩn trương thi công vượt lũ đảm bảo an toàn, hoàn thành toàn bộ công trình trong năm 2023.
Đối với hạng mục đập đất số 1 có xuất hiện một số vết nứt tấm bê tông mặt đập (khoảng 8 tấm trên tổng số 280 tấm theo thiết kế), ông Thiết khẳng định: “Về quy trình quản lý chất lượng được Ban và các đơn vị liên quan thực hiện chặt chẽ theo quy định hiện hành.
Việc nứt bê tông mặt đập đất đã được các bên lường từ trước và thường xuyên theo dõi; công trình đang trong giai đoạn thi công, nhà thầu có trách nhiệm khắc phục các vết nứt bề mặt bê tông đảm bảo yêu cầu.
Khi hoàn thành công tác này, các bên liên quan tổ chức nghiệm thu đảm bảo chất lượng, thẩm mỹ mới đưa công trình vào vận hành, khai thác và nhà thầu tiếp tục bảo hành theo đúng yêu cầu hợp đồng”.
Dự án đang đẩy nhanh tiến độ thi công vượt lũ (Ảnh: N.H)
Ông Thiết cho biết thêm, hiện nay ngoài việc khắc phục khiếm khuyết ở đập đất số 1, chủ đầu tư đã chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ đắp đập số 2 (hạng mục cuối cùng để hoàn thành công trình), đảm bảo cao trình vượt lũ. Hiện, nhà thầu đang thi công 3 ca 4 kíp để đảm bảo tiến độ vượt lũ trước 30/6, hoàn thành toàn bộ công trình trong năm 2023.
Theo ông Trần Văn Oanh, Tư vấn giám sát trưởng, Công ty Cổ phân Tư vấn xây dựng 2 (thực hiện giám sát hai hạng mục đập đất của Dự án hồ Krông Pách Thượng), việc tổ chức thi công xây dựng công trình nói chung, công tác thi công bê tông mặt đập đã được thực hiện theo đúng quy trình quản lý chất lượng.
Tuy nhiên, trên bề mặt tấm bê tông có xuất hiện các vết nứt nhỏ. Nguyên nhân đánh giá sơ bộ do đất đắp đập đang trong giai đoạn chờ cố kết theo thiết kế, ngoài ra các tấm bê tông sau khi đạt cường độ, đơn vị thi công chậm cắt khe co giãn nhiệt so với yêu cầu.
Không ảnh hưởng đến an toàn đập
Đi cùng với đoàn công tác, qua quan sát hiện trường, PGS.TS. Lê Văn Hùng, nguyên giảng viên cao cấp Trường Đại học Thủy lợi đánh giá: “Những tấm bê tông mặt đập là bộ phận cấu tạo của đập đất, nhiệm vụ chủ yếu là phục vụ cho việc đi lại nội bộ trong khi quản lý vận hành, chống xói lở mặt đập đất nên không ảnh hưởng đến an toàn đập.
Qua xem xét, chỉ xuất hiện vết nứt nông ở bề mặt ngoài của tấm bê tông, vết nứt rộng từ 2 - 3mm, sâu khoảng 1cm so với chiều dày hơn 20cm của tấm bê tông mặt đập. Nguyên nhân có thể do chậm cắt tấm phân ô sau khi bê tông đảm bảo cường độ cho phép, khi gặp nắng nóng, chênh lệch nhiệt độ lớn giữa ngày và đêm gây nên nứt bề mặt tấm bê tông”.
PGS.TS. Lê Văn Hùng, nguyên giảng viên cao cấp Trường Đại học Thủy lợi (bìa phải) cùng đoàn công tác kiểm tra hiện trường (Ảnh: N.H)
Theo ông Hùng, nếu vết nứt trên liên quan đến đập thì bờ tường bê tông chắn sóng trên thân đập cũng bị nứt theo, nhưng kiểm tra thì không có.
"Nếu nứt liên quan đến an toàn đập thì phải kiểm tra kĩ nhưng ở đây chỉ nứt bề mặt tấm bê tông mặt đập, không ảnh hưởng đến an toàn đập. Tuy nhiên, vết nứt lại được nhà thầu trám nhựa đường vào nhìn phản cảm, khiến người dân nhìn vào cảm thấy nguy hiểm”, ông Hùng nhìn nhận.
Cũng theo ông Hùng, đối với đập đất Krông Pách Thượng chất lượng công trình được thi công xây dựng tốt. Tuy nhiên, là đập sử dụng vật liệu địa phương nên giai đoạn đầu phải chờ đất đắp cố kết, do đó cần được theo dõi, kịp thời xử lý các khiếm khuyết nhỏ nếu có.
Đo kiểm tra kích thước vết nứt tấm bê tông mặt đập đất số 1 (Ảnh: N.H)
Tại hiện trường, ông Lê Đình Tuân, Phó phòng Quản lý thi công và Chất lượng công trình, Cục Quản lý xây dựng công trình cho biết: “Ở góc độ quản lý Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý xây dựng công trình đã chỉ đạo xuyên suốt chủ đầu tư và các chủ thể tham gia xây dựng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình quản lý chất lượng xây dựng công trình.
Đặc biệt, đối với công trình thủy lợi thì hạng mục đập đất quan trọng nhất, khi thi công phải tuân thủ đúng quy trình được chấp thuận, quản lý chặt chẽ từ khâu tuyển chọn đất, đắp đất và lấy mẫu thí nghiệm từng lớp đất đảm bảo yêu cầu kỹ thuật mới đắp các lớp đất kế tiếp theo đúng hồ sơ thiết kế được duyệt, tiêu chuẩn và quy chuẩn hiện hành".
Theo ông Tuân, nứt bề mặt bê tông mặt đập cũng là hiện tượng đã xảy ra ở một số đập đất trong giai đoạn đầu hoàn thành, các bên cũng đã lường trước vấn đề này, nhà thầu có trách nhiệm xử lý và bảo hành công trình theo đúng quy định.
"Bộ và Cục rất quan tâm đến công trình, ngoài việc khẩn trương xử lý các vết nứt nêu trên, chủ đầu tư và các bên liên quan phải rà soát lại toàn bộ. Do công trình đang trong giai đoạn thi công nên các khiếm khuyết nhà thầu phải tự bố trí chi phí khắc phục và chỉ được đưa công trình vào sử dụng đảm bảo an toàn nhất”, ông Tuân khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận