Pháp đình

Vụ Vạn Thịnh Phát: Thêm 10 bị cáo nộp gần 6,2 tỷ đồng khắc phục hậu quả

05/03/2024, 18:05

Trước khi phiên tòa diễn ra, người thân của 10 bị cáo đã nộp thêm gần 6,2 tỷ đồng. Trong giai đoạn truy tố, cơ quan chức năng đã thu giữ của các bị cáo số tiền 55,4 tỷ đồng.

Ngày 5/3, TAND TP.HCM xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 85 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP SCB và các đơn vị liên quan. Người thân của 10 bị cáo đã nộp thêm gần 6,2 tỷ đồng để khắc phục vụ án.

Cụ thể, gia đình bị cáo Bùi Anh Dũng, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị SCB nộp 4,5 tỷ đồng, gia đình bị cáo Phan Tấn Trung, cựu Phó Chánh thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM nộp 546 triệu đồng, Nguyễn Thanh Tùng, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Dầu khí Đông Phương nộp 500 triệu đồng.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Thêm 10 bị cáo nộp gần 6,2 tỷ đồng khắc phục hậu quả- Ảnh 1.

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử ngày 5/3.

Gia đình bị cáo Trần Thị Kim Chi, cựu nhân viên Công ty CP Natural Land; Lưu Chấn Nguyên, cựu Giám đốc phòng giao dịch Bảy Hiền SCB nộp 30 triệu đồng mỗi bị cáo.

Phạm Mạnh Cường, cựu Giám đốc phòng Tái thẩm định SCB và Cao Việt Dũng, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Tường Việt cùng nộp 200 triệu đồng/người. Bùi Nhân, cựu Phó tổng giám đốc SCB nộp 70 triệu đồng. Bùi Đức Khoa, cựu Phó tổng giám đốc Công ty CP Natural Land và Trần Hoàng Giang, cựu Phó giám đốc khối phê duyệt tín dụng SCB, mỗi người nộp 50 triệu đồng.

Trong giai đoạn điều tra, cơ quan chức năng thu giữ gần 600 tỷ đồng và gần 15.000 USD. Trong đó, thu giữ của bị cáo Trương Mỹ Lan, Trương Huệ Vân hơn 7 tỷ đồng; Thu giữ của ông Tạ Hùng Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Greenhill Village; Trần Văn Hùng, nhân viên tòa nhà Sherwood (quận 3, TP.HCM) 190.000 USD. Gia đình các bị cáo Trương Mỹ Lan, Tạ Hùng Quốc Việt, Trần Văn Nghị và Trương Huệ Vân tự nguyện nộp để khắc phục hậu quả vụ án gần 119 tỷ đồng và 306.000 USD. Trong giai đoạn truy tố đã thu giữ của các bị cáo số tiền 55,4 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, bị cáo Trương Mỹ Lan dù không giữ chức vụ tại Ngân hàng SCB, song lại là người lũng đoạn, chi phối loạt lãnh đạo ngân hàng này để họ giúp sức rút ruột hơn 304.000 tỷ đồng.

Cáo trạng của VKSND tối cao nêu rõ, từ năm 2012 đến tháng 10/2022, bà Trương Mỹ Lan đã thâu tóm, nắm giữ từ 85-91,5% cổ phần SCB. Từ đó, bị can trở thành cổ đông có "quyền lực" để chỉ đạo, điều hành, thao túng toàn bộ hoạt động của SCB, phục vụ cho các mục đích khác nhau của mình.

Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và đồng phạm bị cáo buộc đã thực hiện chuỗi hành vi gồm: Tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín của mình vào các vị trí chủ chốt tại SCB; Thành lập một số đơn vị thuộc SCB chuyên trách cho vay, giải ngân theo yêu cầu của Trương Mỹ Lan; Thành lập, sử dụng hàng nghìn công ty "ma", thuê nhiều cá nhân; Câu kết với các cá nhân đứng đầu nhiều doanh nghiệp liên quan để thực hiện tội phạm.

Bên cạnh đó, Trương Mỹ Lan và đồng phạm thông đồng với nhiều công ty thẩm định giá để nâng khống giá trị tài sản bảo đảm; Tạo lập số lượng rất lớn hồ sơ vay vốn khống để rút tiền từ SCB; Lập phương án rút tiền, "cắt đứt" dòng tiền sau giải ngân; Bán nợ xấu, bán các khoản cấp tín dụng trả chậm để giảm dư nợ tín dụng, giảm nợ xấu, để che giấu sai phạm; Mua chuộc, tác động người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước làm trái công vụ.

Từ đó, Trương Mỹ Lan và đồng phạm, với những vị trí, vai trò khác nhau, thực hiện nhiều tội phạm xâm phạm về sở hữu, xâm phạm hoạt động của ngân hàng, hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước.

Trong đó, VKSND tối cao xác định nhiều hành vi được thực hiện dưới dạng đồng phạm có tổ chức với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, chiếm đoạt và gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.