Thời sự Quốc tế

90 phút họp khẩn đầy căng thẳng tại Hội đồng Bảo an LHQ về vấn đề Ukraine

22/02/2022, 14:46

Sau 90 phút căng thẳng, cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an LHQ đã kết thúc vào cuối giờ sáng ngày 22/2, theo giờ VN.

Toàn cảnh cuộc họp khẩn tại Hội đồng Bảo an LHQ

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield tỏ ý nghi ngờ tuyên bố điều “lực lượng gìn giữ hoà bình” của Nga tới miền Đông Ukraine.

img

Phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an LHQ. Ảnh - Reuters

Bà Linda Thomas-Greenfield nhấn mạnh: “Ông Putin gọi họ là lực lượng gìn giữ hoà bình. Thật vô lý. Chúng ta ai cũng biết họ thực sự là ai”.

Đề cập tới những cáo buộc gần đây của ông Putin, Đại sứ Mỹ cho rằng, những cáo buộc của ông Putin là giả dối và phóng đại nhằm tạo ra cái cớ cho chiến tranh.

Trong khi đó, Đại diện thường trực Anh tại Liên hợp quốc Dame Barbara Woodward nhấn mạnh tác động tới tình hình nhân đạo nếu Nga tấn công Ukraine.

Những hành động Nga chọn ngày hôm nay sẽ để lại hậu quả lâu dài và nghiêm trọng. Đầu tiên là với cuộc sống của con người. Một cuộc tấn công vào Ukraine sẽ dẫn đến chiến tranh, chết chóc, tàn phá cuộc sống của người dân Ukraine - bà Woodward nói.

Theo đánh giá của hãng tin Guardian, đại diện đến từ Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ấn Độ, Ireland, Các tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), Kenya và Ghana đều nhấn mạnh cần phải có các biện pháp hoà bình và ngoại giao, ngăn chặn chiến tranh tại Ukraine.

Về phần mình, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vasily Nebenzya kêu gọi những phát ngôn kể trên là cách dùng lời nói tấn công trực diện và Nga sẽ không đáp lại.

img

Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vasily Nebenzya. Ảnh - Reuters

Ông Nebenzya tố ngược phương Tây đã đẩy Ukraine đến xung đột và cáo buộc các nước khác coi thường tình cảnh của những người dân sống tại Donbass (miền Đông Nam Ukraine bao gồm Donetsk và Luhansk).

Nga cáo buộc Ukraine đang trên bờ vực “mạo hiểm quân sự”.

Cuối cùng, Đại sứ Ukraine Sergiy Kyslytsya lên tiếng, khẳng định dù Liên bang Nga công nhận chủ quyền của vùng Donetsk và Lugansk độc lập với Ukraine nhưng biên giới quốc tế của đất nước vẫn “không thay đổi”.

"Chúng tôi yêu cầu Nga huỷ quyết định công nhận và quay lại bàn đàm phán. Chúng tôi lên án việc triển khai binh sĩ Nga tới lãnh thổ của Ukraine" – Đại sứ Kyslytsya nói.

Trong khi đó, hai nước lớn ở châu Á bao gồm Ấn Độ và Trung Quốc tiếp tục kêu gọi các bên kiềm chế, duy trì hoà bình và an ninh.

Các tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) cũng hối thúc các bên kiềm chế, tranh thương vong cho dân thường và quay trở lại tuân thủ thoả thuận Minsk.

Cập nhật phản ứng của các nước trên thế giới

Nhật Bản gia nhập các nước lên án việc Nga công nhận hai vùng ly khai tại miền Đông Ukraine có chủ quyền độc lập và quyết định điều “lực lượng gìn giữ hoà bình” tới đây.

“Những hành động đó đã vi phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, vi phạm luật pháp quốc tế và là hành động không thể chấp nhận” – Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno nói.

Theo ông Hirokazu Matsuno, Nhật đang giám sát những diễn biến với sự quan ngại nghiêm trọng và sẽ hành động tuỳ theo tình hình thực tế, bao gồm cả áp lệnh trừng phạt.

Đất nước thể hiện ủng hộ Nga

Hiện tại, về phản ứng ủng hộ quyết định của Nga, mới có Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega lên tiếng bảo vệ lập trường của Nga trong vấn đề Ukraine.

Ông Ortega, một chính trị gia từ lâu có quan điểm phản đối ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực Trung Mỹ, nhận định Tổng thống Nga Vladimir Putin có quyền công nhận 2 vùng ly khai ở miền Đông Ukraine là quốc gia độc lập.

“Tôi chắc chắn nếu 2 vùng này tổ chức trưng cầu dân ý như bán đảo Crimea đã từng, người dân sẽ bỏ phiếu sáp nhập về Nga”, ông Ortega nói.

Tổng thống Nicaragua cũng cho rằng, những nỗ lực của Ukraine để gia nhập tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là mối đe doạ với Nga.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.