Chuyện dọc đường

Ai là F1?

11/03/2022, 06:30

Nhận diện chính xác và bắt F1 ở nhà cách ly theo quy định gần như là chuyện bất khả thi.

“Không có ai là F1 hay F0 cả, ai bị thì gọi là ca nhiễm và người tiếp xúc nếu test không sao thì vẫn sinh hoạt bình thường” - một người bạn của tôi ở Thụy Sĩ kể.

Chị nói, trẻ con đi học từ năm ngoái đến năm nay chả nghỉ ngày nào dù dịch bệnh lên đến đỉnh điểm và ba tuần trước Thụy Sĩ chính thức gỡ bỏ gần như toàn bộ các biện pháp phòng, chống Covid-19, kể cả chứng nhận xét nghiệm âm tính, hộ chiếu vaccine.

img

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm, lấy giấy xác nhận F0 tại Trạm y tế lưu động số 1, 2, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng ngày 7/3

Chuyện bỏ quy định F1 nếu đề cập cách đây vài tháng, hẳn sẽ gây tranh luận và sóng gió trên báo chí và mạng xã hội.

Nhưng nhìn lại thực tế những ngày qua ở TP.HCM và Hà Nội, nếu F1 phải cách ly triệt để như quy định của Bộ Y tế thì cả công sở, ngoài chợ hay thậm chí… trong bệnh viện cũng không đủ người làm.

Quy định về F1 đã quá lạc hậu. Không thể cứ tiếp xúc trong vòng 2 mét trong khoảng thời gian tối thiểu 15 phút với F0 thì phải cách ly ở nhà 5 ngày.

Cũng không thể không sửa các quy định về điều kiện cách ly tại nhà. Bởi thực tế, với 30 nghìn ca nhiễm mỗi ngày, nếu không cho cách ly tại nhà, không thành phố nào có thể lo đủ chỗ cách ly tập trung cho người nhiễm bệnh.

Kể cả có hay không có phòng vệ sinh riêng, phòng sinh hoạt riêng thì cũng chỉ có 1 cách là cách ly tại nhà mà thôi.

Vẫn biết, ngành y có nhiều việc phải làm trong khi nhân sự ngày càng mỏng và hao hụt sau hơn 2 năm chống dịch.

Nhưng nếu không sửa đổi các quy định kịp thời sẽ dẫn tới tình trạng “hướng dẫn thì có nhưng không làm được” như lo ngại của Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên.

Cái khó, cái bất cập sẽ làm nản lòng ngay chính những người có trách nhiệm đang tham gia vào bộ máy chống dịch.

Chưa kể quy định không sát thực tế, bất khả thi thì người dân sẽ “nhờn luật”, “bỏ qua không thực hiện”, “trên bảo dưới không nghe”.

Đến thời điểm này, việc công bố ca nhiễm và số ca khỏi bệnh cũng nên được xem là một công việc dành cho các nhà chuyên môn và quản lý thay vì một bản tin hàng ngày.

Người dân quan tâm hoàn toàn có thể lên trang thông tin điện tử của Bộ Y tế để tìm đọc.

Thực tế, đã lâu rồi nhiều người không còn chờ đến giờ Bộ Y tế cập nhật các ca nhiễm mới rồi chia sẻ rào rào trên mạng xã hội, bởi con số thống kê không còn sát thực tế. Nhiều quy định phức tạp khiến số người không làm thủ tục khai báo với y tế phường ngày càng nhiều.

Đến thời điểm này, không quan trọng bao nhiêu ca nhiễm, bao nhiêu F1, F0, quan trọng là ít hay nhiều ca nặng, khả năng điều trị của hệ thống y tế ra sao, khả năng người dân được chăm sóc, quan tâm y tế như thế nào nếu nhiễm bệnh hoặc trở nặng.

Nguyễn Nga

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.