Đảo Lý Sơn từ trên cao. Ảnh internet
Giữ nguyên đề xuất thời kỳ 2021-2030 quy hoạch 28 sân bay
Hôm nay (29/5), Cục Hàng không VN bắt đầu lấy ý kiến hồ sơ Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050.
Điểm đáng chú ý trong hồ sơ này là việc Cục Hàng không VN bổ sung nội dung "nghiên cứu, khảo sát, đánh giá và báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc bổ sung vào Quy hoạch tổng thể hệ thống Cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến 2050 các sân bay tại đảo Lý Sơn, Phú Quý… và các quần đảo có nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh".
Trước đó, trong văn bản thẩm định quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050 trình Bộ GTVT, Cục Hàng không VN đề xuất đến năm 2050 chỉ bổ sung sân bay Cao Bằng vào 28 sân bay đã được quy hoạch hiện nay.
Đến ngày 8/5/2021, UBND tỉnh Quảng Ngãi có văn bản đề nghị bổ sung sân bay Lý Sơn vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050.
Cục Hàng không VN cũng đề xuất tiếp tục duy trì vị trí quy hoạch sân bay quốc tế Hải Phòng đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch vị trí tại Tiên Lãng, nhằm mục đích dự bị cho sân bay quốc tế Nội Bài và sân bay quốc tế Cát Bi.
Cục Hàng không VN vẫn giữ nguyên đề xuất thời kỳ 2021-2030 quy hoạch 28 sân bay (hiện có 22 sân bay đang khai thác) đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2018 gồm 14 sân bay quốc tế (Nội Bài, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Vân Đồn, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Cần Thơ, Phú Quốc) và 14 sân bay nội địa là Lai Châu (chưa xây dựng), Điện Biên, Sa Pa (chưa xây dựng), Nà Sản (tạm dừng khai thác), Đồng Hới, Quảng Trị (chưa xây dựng), Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết (đang triển khai xây dựng), Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo.
Định hướng đến năm 2050, Cục Hàng không VN đề xuất chỉ bổ sung sân bay Cao Bằng vào quy hoạch. Lúc đó cả nước có 29 sân bay bao gồm 14 sân bay quốc tế, 15 sân bay nội địa.
Tìm nhà đầu tư xây sân bay theo hình thức BOT
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, nếu được chấp thuận bổ sung vào quy hoạch, Quảng Ngãi sẽ tìm nhà đầu tư xây sân bay này theo hình thức BOT mà không sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Dự kiến, đây sẽ là sân bay cấp 4C với năng lực khai thác từ 3 - 3,5 triệu hành khách/năm.
Liên quan đến một số ý kiến e ngại việc quy hoạch sân bay Lý Sơn là sân bay cấp 4C với năng lực khai thác từ 3 - 3,5 triệu hành khách/năm chưa thực sự phù hợp với quy mô diện tích hiện nay của đảo, ông Minh cho hay, trên thế giới, có rất nhiều sân bay quốc tế được xây dựng trên các hòn đảo diện tích nhỏ và đã sớm trở thành cây cầu nối cho các đảo này vươn ra thế giới, đem lại lợi ích kinh tế cho cả khu vực. Chẳng hạn đảo du lịch Maldives nổi tiếng ở Ấn Độ Dương gồm 1.200 hòn đảo lớn nhỏ với các sân bay nằm rải rác, gồm 4 sân bay quốc tế và 86 sân bay nội địa trải dài. Trong đó, sân bay quốc tế Velana nằm ở đảo Hulhule rộng chỉ 3km2, là sân bay bận rộn nhất ở Maldives. Hầu hết các sân bay lớn trên thế giới đều được kết nối với sân bay này.
Đảo Saba (thuộc vùng biển Caribe) có diện tích rộng 13km và sở hữu 1 sân bay. Bora Bora - hòn đảo thuộc Pháp được mệnh danh đẹp nhất hành tinh, với diện tích 24 km2 cũng sở hữu riêng sân bay quốc tế. Hay đảo quốc nhỏ nhất thế giới Nauru (thuộc Tây Nam Thái Bình Dương) cũng kết nối với thế giới qua một sân bay quốc tế…
“Chúng tôi kỳ vọng Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, Cục Hàng không VN sẽ chấp thuận đưa CHK Quốc tế Lý Sơn vào Quy hoạch tổng thể hệ thống Cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến 2050”, ông Minh nói và cho biết, Quảng Ngãi sẽ có kế hoạch, lộ trình, giải pháp cụ thể từng giai đoạn nhằm đầu tư, phát triển bài bản cả hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, quy hoạch hệ thống nước ngọt, hệ thống xử lý rác thải, nước thải phù hợp để Lý Sơn đáp ứng đồng thời các mục tiêu: đón lượng du khách ngày càng lớn với mức chi tiêu cao, đảm bảo môi trường sinh thái.
Nói về hiệu quả của sân bay Lý Sơn khi khá gần với sân bay Chu Lai, ông Minh cho rằng, dù không quá xa sân bay Chu Lai, nhưng đảo Lý Sơn lại nằm hoàn toàn tách biệt ngoài biển. Do vậy, để phát triển kinh tế, phát huy lợi thế du lịch của Lý Sơn rất cần “mở cửa” bầu trời, để kết nối Lý Sơn với các địa phương trên cả nước cũng như với thế giới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận