Nghịch lý này khiến doanh nghiệp kêu trời, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều nơi thiếu điện phải cắt luân phiên.
“Đè” doanh nghiệp ra phạt?
Giấy báo phạt mà doanh nghiệp của ông Tâm nhận được.
Nhiều năm qua, Công ty TNHH chế biến Trường Thịnh (Khu công nghiệp Quảng Phú, Quảng Ngãi) nhận không dưới 30 giấy báo nộp phạt vì tiêu thụ điện ít hơn so với hợp đồng ký kết với Công ty Điện lực Quảng Ngãi.
Giám đốc công ty, ông Nguyễn Anh Tâm cho biết, ông đầu tư nhà máy chế biến hải sản và sử dụng điện do điện lực Quảng Ngãi cung cấp.
Để được cung ứng điện, đơn vị phải ký hợp đồng mua bán điện và “đóng hụi chết” vài trăm triệu đồng cho phía điện lực theo dạng “bảo lãnh” trong vài năm thì điện lực mới cung ứng điện.
“Sau vài năm sử dụng, điện lực sẽ hoàn trả số tiền “hụi” lại cho doanh nghiệp. Nhưng điểm bất hợp lý là trong hợp đồng mua bán điện, phía điện lực “cài” điều khoản rất… “trên trời”, khiến doanh nghiệp thiệt thòi do liên tục bị ăn phạt. Trong khi sản lượng điện tiêu thụ của doanh nghiệp luôn cao hơn mức bình quân mỗi năm”, ông Tâm nói.
Theo tài liệu ông Tâm cung cấp, trong 5 năm qua, công ty có đến 32 lần bị phạt vì sử dụng ít điện. Riêng 5 tháng đầu năm 2023, có đến 5 tháng bị phạt với số tiền từ hơn 4,3 triệu đồng đến hơn 8 triệu đồng.
Theo ông Tâm, trong giai đoạn từ 2018-2020, ông đăng ký mua điện ở một trạm biến áp với sản lượng điện tiêu thụ thành tiền để không bị phạt mỗi tháng là phải dùng trên 110 triệu tiền điện.
Nếu dùng thấp hơn con số này sẽ bị điện lực gửi phiếu phạt.
Do mở rộng hoạt động nên ông Tâm tiếp tục đăng ký mua thêm điện, từ đó điện lực Quảng Ngãi đầu tư thêm một trạm biến áp mới và cũng như giai đoạn trước, trong hợp đồng ký kết, điện lực Quảng Ngãi đã tăng mức tiêu thụ điện trung bình mỗi tháng của công ty.
“Doanh nghiệp chỉ cần mỗi tháng không tiêu thụ điện vượt qua con số 50% so với cam kết trong hợp đồng, lập tức tôi nhận thông báo nộp tiền phạt và bồi thường hợp đồng vì vi phạm thỏa thuận đầu tư công trình với ngành điện. Có tháng tôi phải đóng hơn 8 triệu đồng tiền phạt.
Thời gian qua điện thiếu, nhiều nơi phải lên lịch cắt điện luân phiên để đảm bảo an toàn và phân bổ nguồn điện cung ứng. Vậy mà, công ty của tôi bị phạt vì sử dụng điện ít. Chẳng khác nào Quảng Ngãi đi ngược chủ trương chung của Chính phủ về tiết kiệm điện”, ông Tâm bức xúc.
Ông Tâm cho rằng, với ngành nghề chế biến thủy sản, doanh nghiệp phải phụ thuộc vào sản lượng hải sản mà ngư dân đánh bắt được.
Nếu vào mùa mưa bão ngư dân nghỉ biển thì không có hải sản để sản xuất. Hoặc như mấy tháng rồi, tình hình khó khăn, cá tôm ngoài biển ít, ngư dân đi biển lỗ nên ngừng ra khơi khiến lượng hải sản nhập vào cũng ít đi. Như vậy, doanh nghiệp buộc phải hoạt động cầm chừng.
“Công ty chúng tôi mỗi năm đóng trung bình khoảng 5 tỷ đồng tiền mua điện sản xuất. Nếu tính tổng trong năm thì công ty tiêu thụ lượng điện vượt hợp đồng ký kết.
Nhưng ngành điện Quảng Ngãi không tính theo năm mà “canh” chúng tôi sử dụng thiếu tháng nào là “đè” ra phạt tháng đó.
Còn những tháng chúng tôi sử dụng vượt hợp đồng thì “im lặng” thu tiền”, ông Tâm nói và cho rằng, trong bối cảnh khó khăn chung như hiện nay, lẽ ra ngành điện nên chia sẻ với khách hàng và tính toán lại vì đằng nào doanh nghiệp cũng dùng vượt tổng lượng điện mỗi năm.
Không riêng gì doanh nghiệp của ông Tâm, nhiều trường hợp khác cũng bị điện lực Quảng Ngãi phạt vì vi phạm hợp đồng. Thực tế trên tồn tại nhiều năm qua khiến các doanh nghiệp bức xúc.
Điện lực Quảng Ngãi nói gì?
Kể từ khi đăng ký tăng sản lượng tiêu thụ điện do mở rộng sản xuất kinh doanh, trong khi nghề biển lại bấp bênh khiến công ty của ông Tâm bị phạt nhiều lần.
Trao đổi với Báo Giao thông, Phó giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ngãi Phan Vũ Đông Quân cho rằng, việc phạt doanh nghiệp sử dụng ít điện so với cam kết trong hợp đồng là ràng buộc để các bên có trách nhiệm với nhau, tránh công trình ngành điện đầu tư bị lãng phí.
Cũng theo ông Quân, việc lắp đặt trạm biến áp có nhiều phương án. Khách hàng có thể đăng ký với ngành điện và tự bỏ tiền ra đầu tư, hoặc doanh nghiệp đăng ký và ngành điện bỏ tiền đầu tư, duy tu bảo dưỡng, cung cấp điện xuyên suốt.
Doanh nghiệp chỉ thực hiện đúng cam kết sản lượng điện tiêu thụ đã ký kết trong hợp đồng. Phần lớn phương án doanh nghiệp chọn là ký cam kết sản lượng điện tiêu thụ, để ngành điện đầu tư hạ tầng.
Tuy nhiên, đại diện một doanh nghiệp cho rằng, khi đơn vị đặt vấn đề tự đầu tư trạm biến áp thì phía công ty điện lực luôn “hù”, nếu doanh nghiệp tự đầu tư thì phải tự chịu trách nhiệm bảo trì, bảo dưỡng hệ thống lưới điện, khi có sự cố phải tự chịu và ngành điện không can thiệp.
“Họ nêu nhiều lý do khiến doanh nghiệp sợ không dám đầu tư trạm biến áp riêng dẫn đến phải chấp nhận ký hợp đồng mua điện với những điều khoản bất lợi dành cho doanh nghiệp”, người này nói.
Trong khi đó, ông Quân lý giải rằng, để đầu tư trạm biến áp cho khách hàng, công ty phải sử dụng tiền nhà nước, hoặc đi vay vốn từ ngân hàng thương mại.
Phía ngân hàng yêu cầu phân tích hiệu quả mới cho vay. Vì vậy, ngành điện yêu cầu khách hàng tính toán sản lượng tiêu thụ hằng tháng để lắp đặt trạm có công suất phù hợp.
“Nếu khách hàng sử dụng điện thấp, đồng nghĩa với việc đầu tư của ngành điện không hiệu quả. Bởi vậy, trong hợp đồng ký kết giữa hai bên có ràng buộc sản lượng điện tiêu thụ vì lý do này.
Ngành điện cũng hiểu khách hàng có tháng sử dụng nhiều, có tháng ít, nên trong hợp đồng lượng điện tiêu thụ mỗi tháng phải trên 50% so với sản lượng đăng ký. Thấp hơn 50% mới bị phạt”, ông Quân nói.
Trước câu hỏi vì sao điện lực Quảng Ngãi không tính sản lượng điện tiêu thụ trung bình hàng quý hoặc 6 tháng để ký hợp đồng với khách hàng mà tính theo tháng, ông Quân cho biết “làm theo quy định của ngành điện”.
“Để giải thích kiến nghị trên, điện lực Quảng Ngãi sẽ có văn bản gửi cơ quan cấp trên và sẽ trả lời cụ thể”, ông Quân nói.
Trường hợp bất khả kháng sẽ không phạt
Liên quan đến phản ánh của doanh nghiệp, đại diện Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) cho biết, trách nhiệm giữa hai bên là phải thực hiện theo điều khoản hợp đồng. Trước khi ký, khách hàng đã được giải thích về các nội dung của hợp đồng. Căn cứ theo nhu cầu sản xuất, khách hàng chủ động tính toán, đăng ký công suất, sản lượng sử dụng điện với đơn vị điện lực. Còn ngành điện đầu tư công trình điện để đảm bảo cấp điện theo nhu cầu khách hàng đăng ký.
“Nếu khách hàng đăng ký nhu cầu cao, sau đó lại sử dụng điện thấp hơn mức đã đăng ký sẽ gây lãng phí, không đảm bảo hiệu quả đầu tư, sử dụng vốn. Trường hợp khách hàng vi phạm hợp đồng do điều kiện bất khả kháng sẽ miễn trừ trách nhiệm bồi thường và phạt vi phạm theo điều khoản đã ký kết của hợp đồng”, đại diện EVNCPC thông tin.
Về phản ánh điện lực gây khó khiến doanh nghiệp không tự lắp được trạm biến áp, đại diện EVNCPC cho rằng, doanh nghiệp đã lựa chọn hình thức hợp tác và điện lực Quảng Ngãi đã thực hiện theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng.
“Khách hàng được ngành điện đầu tư công trình cấp điện sẽ được hưởng các dịch vụ về quản lý vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế thiết bị hư hỏng (không phải trả chi phí) và được mua điện theo biểu giá Bộ Công thương ban hành, áp dụng thống nhất trong phạm vi cả nước. Đồng thời, khách hàng cam kết thực hiện các điều khoản hợp đồng đầu tư đã ký kết”, vị này nói.
Hồng Hạnh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận