Ca cao mang đậm hương vị Việt
Lớn lên trên vùng quê sông nước Đồng bằng sông Cửu Long, hương vị ca cao Sa Đéc (Đồng Tháp) đã ăn sâu vào tiềm thức của chị Nguyễn Thanh Vân, Trưởng phòng Truyền thông Công ty Cổ phần Lạc Việt (quận 1, TP.HCM).
Vinacacao ký hợp tác song phương với Barry Callebaut nhằm rút ngắn thời gian chinh phục thị trường Bỉ.
Những phiên mua sắm cuối tuần, giỏ hàng của chị không thể thiếu hộp ca cao bột nguyên chất La Ek Chuah của Vinacacao. Loại ca cao mà theo chị, mỗi một lần thưởng thức là một lần gợi nhớ về tuổi thơ.
Không sinh ra tại miền Tây nhưng chị Nguyễn Thị Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) lại có sở thích thưởng thức những ly ca cao nóng vào mùa đông, hoặc chế biến cho gia đình những món điểm tâm nhẹ từ ca cao.
Chị Cao Thu Phương, một khách hàng quen thuộc của cà phê Starbucks trên đường Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM) lại mê những thanh chocolate Vinacacao bày bán tại đây: "Tôi thích cái cảm giác chocolate tan chảy với vị đắng nhẹ hòa quyện, tạo ra những đợt sóng ngầy ngậy nhẹ nhàng lan tỏa trong khoang miệng".
Theo tìm hiểu, hiện nay, ca cao thành phẩm của Vinacacao khá phong phú, khoảng 54 sản phẩm, từ bột nguyên chất đến những thanh chocolate ngọt ngào.
Những sản phẩm này được bày bán trong hệ thống các quán café, chuỗi siêu thị lớn như Big C, Co.opmart, Metro và các sàn thương mại điện tử. Giá bán bột cacao dao động từ 53.000 – 142.000 đồng, tùy túi, chocolate bán 22.500 - 469.500 đồng tùy loại.
Có mặt tại 20 quốc gia
Không tiết lộ nhiều về doanh thu, lao động doanh nghiệp, song ông chủ Vinacacao cũng cho biết, hiện nay, sản phẩm của Vinacacao đã có mặt tại 20 quốc gia trên thế giới như: Mỹ, Bỉ, Hàn Quốc, Tiểu vương quốc Ả rập.
Ở châu Âu, ca cao được ưa chuộng và tiêu thụ rất nhiều, đặc biệt là ở những nước có truyền thống sản xuất chocolate như Bỉ, Thuỵ Sĩ.
Sản phẩm của Vinacacao.
Vinacacao cũng là một trong những đơn vị đồng hành của chương trình Cacao Trace Việt Nam, chương trình nâng cao kiến thức và kỹ năng canh tác cho người nông dân, giúp người nông dân phát triển nguồn cung ứng ca cao bền vững và có thể truy xuất nguồn gốc.
Là một trong số gần 30 gia đình đang cung cấp nguyên liệu ca cao cho Vinacacao, ông Trần Ngọc Canh (Sa Đéc) cho biết, trước đây ông trồng cam quýt, nhưng được mùa mất giá, được giá mất mùa. Sau đó, ông chuyển qua trồng ca cao, cung cấp nguyên liệu cho Vinacacao.
"Trồng ca cao ổn định, giá chỉ tăng lên, không bị sụt. Giá bán hiện nay khoảng 8.000 USD/tấn (192 triệu đồng), sau khi trừ chi phí, tôi thu lời hơn 100 triệu đồng/tấn", ông chia sẻ.
Bước ngoặt sống còn
Nhớ lại những ngày khởi nghiệp đầy sóng gió, ông Liêng kể, năm 2007 khi thành lập doanh nghiệp, khó khăn nhất lúc đó là không ai biết đến ca cao, nhiều người còn nhầm ca cao với lúa mạch.
Ông Nguyễn Văn Liêng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vinacacao.
Một năm sau, năm 2008, xảy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Vinacacao ngoài đối diện khó khăn chung của thị trường tiêu thụ, còn đứng trước nguy cơ tan rã khi một số cổ đông rút vốn, lãi suất ngân hàng tăng vọt lên 17%/năm, thậm chí lên 21%/năm, doanh nghiệp không dám vay.
Trước cơn bão kép, ông phải tổ chức nhiều cuộc họp cổ đông để tìm giải pháp tăng vốn; dồn tiền tiết kiệm, bán tài sản cá nhân, đổ vào doanh nghiệp.
Để tiếp tục tồn tại, ngoài ca cao bột đang sản xuất, Vinacacao phải tính nước sản xuất ca cao uống liền dành cho lứa tuổi từ 6-16, dòng sản phẩm được đánh giá có khả năng tiêu thụ tốt nhất lúc ấy. Quyết định thức thời này đã giúp doanh nghiệp từng bước thoát khủng hoảng.
Vươn xa nhờ "cộng sinh"
Vinacacao ra đời sau những thương hiệu lớn trên thế giới, nên để vươn ra thị trường nước ngoài rất khó khăn.
Ngoài thuế quan, tiêu chuẩn sản phẩm... thì giành khách hàng là điều đau đầu nhất đối với một thương hiệu mới.
Giữa bối cảnh ấy, ông Liêng đã quyết định thực hiện quyết sách chung "chợ". Ông Liêng giải thích rằng, người bán bao giờ cũng bị yếu thế hơn. Do đó, ông thực hiện theo hướng doanh nghiệp thỏa thuận thương mại hỗ tương.
Theo ông Liêng, thông thường khi doanh nghiệp gặp đối thủ sẽ có xu hướng cạnh tranh, bỏ chạy, nhưng ông thì "kết nghĩa" với mong muốn hợp tác song phương.
Vinacacao mua hàng của đối tác bán tại thị trường sẵn có tại Việt Nam, ngược lại đối tác mua hàng Vinacacao bán cho thị trường sẵn có của họ.
Vừa mới đây, Vinacacao sản phẩm xuất ngoại sang Bỉ cũng nhờ cách này. Theo đó, Vinacacao ký hợp tác song phương với hãng Barry Callebaut chuyên về ca cao và chocolate của Bỉ đã có tuổi đời trăm năm.
Để triển khai kế hoạch tiến vào thị trường Nga, Vinacacao tính chuyện hợp tác với Công ty Miratorg, một thương hiệu thực phẩm lớn nhất nhì tại quốc gia này.
Ông Liêng kỳ vọng sự phát triển của Vinacacao sẽ đem lại niềm hy vọng cho người nông dân. Những sản phẩm họ trồng thay vì chỉ được bán thô như trước kia, nay đã xuất hiện trong siêu thị, được xuất khẩu sang nước ngoài.
Ngoài những quyết sách mang tính quyết định thành bại của doanh nghiệp, bản thân ông cũng luôn giữ một nguyên tắc kinh doanh, đó là lắng nghe yêu cầu của khách hàng và thực hiện chi tiết, rõ ràng.
Chị Vũ Thị Hoài Sơn, Giám đốc Công ty Fancy Food, đối tác của Vincacao chia sẻ, ông Liêng là một người nhiệt huyết, chịu khó mày mò, nghiên cứu sản phẩm mới, được thị trường chấp nhận.
Cũng nhờ thế, hạt ca cao Sa Đéc có giá trị hơn, bà con nông dân bán được giá cao hơn. Tất cả điều đó nói lên giá trị của một doanh nghiệp tâm huyết.
Đại diện Công ty Libeert, ông Georges, co-founder và bà Lily - CEO đánh giá Vinacacao đóng vai trò chủ lực trong nền công nghiệp ca cao sau khi tung ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao cho cả thị trường nội địa và quốc tế.
Sự hợp tác giữa Vinacacao và Libeert dựa trên các giá trị chia sẻ về mặt chất lượng, sự bền vững và đổi mới.
Ca cao là nguyên liệu chính để sản xuất chocolate. Theo số liệu thống kê tại Hội nghị Ca cao Việt Nam mới đây, ngành công nghiệp chocolate đang tiêu thụ hơn 4 triệu tấn hạt cacao từ khắp nơi trên thế giới.
Còn theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, hiện nay, nhu cầu tiêu thụ chocolate của người Việt Nam là khoảng hơn 5.000 tấn/năm.
Thị trường chocolate tại Việt Nam đang có giá trị khoảng 250 triệu USD, tức chỉ chiếm 10% giá trị tiềm năng nếu xét theo quy mô dân số và tầng lớp trung lưu.
Trong khi đó, thị trường chocolate thế giới ước đạt khoảng 57 tỷ USD. Nếu Việt Nam phát huy hết tiềm năng thị trường, có thể chiếm 2,4% thị trường thế giới, ước đạt 1,36 tỷ USD.
Cacao Việt Nam được Tổ chức Ca cao Quốc tế xếp loại là ca cao hảo hạng nhờ hương vị trái cây và độ chua nhẹ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận