Xã hội

Cách nào ngăn “xẻ thịt” ao hồ để trục lợi ở Thủ đô?

12/04/2023, 08:00

Ao hồ như “lá phổi xanh” của Hà Nội nhưng với tốc độ đô thị hóa nhanh, giá trị đất tăng cao, những “lá phổi” này bị “xẻ thịt” không thương tiếc.

“Con voi chui lọt lỗ kim”

img

Hồ nước nằm trên đường Tam Trinh (đối diện Mega Market) có thể bị thu hồi, san lấp

Tây Hồ là một trong những quận “vàng”, tập trung lượng lớn ao hồ trên địa bàn Hà Nội. Khảo sát của PV Báo Giao thông, giá đất những khu vực ven hồ dao động từ 150 - 400 triệu/m2 tùy từng vị trí.

Lợi thế thương mại lớn với mật độ dân số dày, nhiều diện tích hồ trên địa bàn quận Tây Hồ đã bị xâm lấn.

Một trong những tâm điểm chú ý là ao Thùy Dương, diện tích 4.000m2, tại phường Quảng An. Năm 1996, Hà Nội đã từng giao ao này cho Công ty Vạn Thiện thuê 30 năm để làm khuôn viên ao cá cây cảnh.

Tuy nhiên, do có nhiều vi phạm nên thành phố đã thu hồi và giao quận Tây Hồ quản lý để xây dựng công trình công cộng. Khi chưa kịp triển khai, ven hồ lại "mọc" lên hàng chục hàng quán, buộc quận vào cuộc, cưỡng chế, tháo dỡ 13 công trình xây dựng trái phép.

Cùng trên địa bàn phường Quảng An, Hồ Đầm Trị, hay còn gọi là ao Thủy Sứ cũng xảy ra tình trạng tương tự. Với diện tích mặt nước khoảng 7ha, nhưng vài năm gần đây hồ đã bị thu hẹp đáng kể bởi tình trạng hàng quán, nhà dân… thi nhau lấn chiếm lòng hồ.

Ngoại trừ đoạn được kè để làm đường nằm giáp lối vào phủ Tây Hồ, 3 mặt hồ còn lại bị lấn chiếm. Phía đường Đặng Thai Mai, loạt nhà hàng ăn uống dựng san sát dài cả trăm mét, được kè kiên cố.

Vi phạm mới nhất là một cá nhân vừa hoàn thành việc lấp hồ bơi Quảng Bá (Nhật Tân) để làm đoạn đường rộng 3m - 4m, dài hơn 100m dẫn vào nhà mà không bị phát hiện, ngăn chặn từ đầu.

Sau khi báo chí phản ánh, quận Tây Hồ vào cuộc kiểm tra, yêu cầu người dân khắc phục bằng việc múc đất lên, trả lại nguyên trạng. Tuy nhiên, ghi nhận ngày 10/4, đất vi phạm đã múc lên nhưng đường đi vẫn tồn tại, đang được quây rào.

Nhà ven hồ xây vượt tầng, chiều cao quy hoạch cũng là một trong những vấn nạn nhức nhối của quận Tây Hồ. Đơn cử nhà 96, 60 phố Từ Hoa xây thêm tầng thứ 6, dãy nhà số 1 đến 3, 5 Quảng Bá, số nhà 18 ngõ, 76 Tô Ngọc Vân lên tầng thứ 7.

Hay như Dự án khách sạn căn hộ cho thuê tại 58 Quảng Bá, Quảng An được ví như «pháo đài» soi chiếu lòng hồ, nhìn thẳng vào trung tâm quận Ba Đình dự báo gây áp lực cho giao thông ven hồ…

Đua nhau san lấp

img

Hồ Đầm Bông, Định Công bị lấn chiếm, san lấp làm nhà xưởng

Tình trạng "xẻ thịt" hồ diễn ra ở nhiều quận, huyện khác. Điển hình như Đầm Bông, phường Định Công, quận Hoàng Mai. Đầm Bông có diện tích 3,5ha, nằm trong quy hoạch khu công viên hồ điều hòa.

Tuy nhiên, sau nhiều năm quy hoạch «treo», phần lớn diện tích Đầm Bông đã bị người dân lấn chiếm, xây dựng nhà xưởng, kho, bãi. Diện tích 3,5ha mặt nước thu lại, chỉ còn khoảng 500m2.

Hồ Đà Sen (Thạch Thất) cũng bị gia đình ông Đỗ Anh Minh san lấp, xây tường bao, ép cọc tre, cọc bê tông, hình thành công trình “kè” kiên cố, đất thải xây dựng được đổ thẳng xuống hồ. Ông Minh còn tự ý đổ con đường gần 3m để ngăn đôi lòng hồ, phục vụ đi lại và xây dựng trái quy định…

Bên cạnh bị xâm lấn bởi những cá nhân đơn lẻ, nhiều hồ tự nhiên tới đây phải đối diện tình trạng bê tông hóa theo quy hoạch, "biến" thành những dự án nghìn dân.

Điển hình là hồ nước đối diện Mega Market (số 126 Tam Trinh, quận Hoàng Mai), nơi đây sẽ được thu hồi, san lấp xây dựng dự án Khu chung cư và dịch vụ công cộng TDC (Lucky House) với diện tích khoảng 31,6 nghìn m2.

Hồ nước đường Lĩnh Nam cũng đã được đưa vào kế hoạch san lấp một phần, khoảng 10 nghìn m2 để xây dựng dự án nhà. Hay một phần hồ Thanh Trì cũng sẽ được thu hồi, san lấp để làm nhà ở với diện tích khoảng 3,6 nghìn m2. Ngoài ra, phải kể đến như: Hồ nước trong ngõ 419 Lĩnh Nam, hồ nước cạnh chung cư 79 Thanh Đàm, Thanh Trì...

Tương tự tại quận Long Biên, hồ Xuân Quế và Sơn Thủy (hay còn gọi là hồ Bà Đồ) tại phường Ngọc Thụy (nằm trên tuyến đường 40m nối Ngọc Thụy - Nguyễn Văn Cừ) được xây dựng hạ tầng kỹ thuật và tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất... Đáng nói, những hồ này không có trong danh sách 3.164 ao hồ không được san lấp TP Hà Nội vừa ban hành.

Quy trách nhiệm cụ thể

Trao đổi với Báo Giao thông về quản lý, chống lấn chiếm ao hồ một cách căn cơ, ông Nguyễn Đình Khuyến, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, quận đã giao ban quản lý dự án để vệ sinh, phát quang cây cỏ. Đồng thời, đề xuất kè ven hồ, lập hồ sơ hiện trạng, yêu cầu các phường trực thuộc kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm, trả lại hiện trạng lòng hồ như ban đầu.

“Quan điểm của quận là thu hồi hết tất cả diện tích lòng hồ. Kiên quyết xử lý vi phạm, các phường trên địa bàn lập hồ sơ hiện trạng ao hồ đang quản lý đến hết quý 3/2023”, ông Khuyến khẳng định.

Riêng đối với vi phạm hộ cá nhân mở đường dài 100m vào nhà tại hồ bơi Quảng Bá, ông Khuyến cho hay: “Hiện trạng của khu vực này đã được trả lại và trấn cọc”.

Đối với vi phạm tại Đầm Bông, Định Công, quận Hoàng Mai, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng đã chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý lấn chiếm theo đúng quy định, trả về quy hoạch công viên; yêu cầu quận Hoàng Mai lập quy hoạch chi tiết và lập dự án, trình thành phố làm công viên.

Tại Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội, ông Đinh Tiến Dũng cũng quán triệt nguyên tắc không lấp hồ, ao hiện có để thực hiện các dự án đầu tư khu đô thị, khu nhà ở, khu cụm công nghiệp. Dù vậy, nhiều ao, hồ lớn đã đề cập ở trên nằm ngoài danh sách được bảo vệ. Ngay như diện tích ao trồng sen Đầm Trị cũng đã được “ém” diện tích được bảo vệ.

Nhìn nhận dưới góc độ chuyên gia, kiến trúc sư Trần Huy Ánh cho hay, hồ nước bên cạnh việc điều hòa khí hậu, tích trữ nước còn có vai trò điều tiết nước mưa, giảm ngập úng cho các khu đô thị. Do đó, “bức tử” ao hồ là lấp đi không gian dự trữ, triệt tiêu không gian thoát nước.

Ông Ánh bày tỏ lo lắng, Hà Nội đang hình thành những công trình ngầm. Với tình trạng lấp hồ, ao lớn, tự nhiên tiếp diễn, nước mưa xuống không có chỗ chứa rất dễ thoát nước vào hầm giao thông như metro, giống như “hang chuột” bị đổ nước. Lúc đó, hậu quả sẽ khôn lường. Do đó, ông Ánh cho rằng, Hà Nội cần có một kịch bản tổng thể, đồng bộ với lộ trình và tầm nhìn.

TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội lại cho rằng, cần quy trách nhiệm cụ thể với chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ ao, hồ.

“Nguyên nhân chính là do sự buông lỏng quản lý ở cấp địa phương khiến nhiều diện tích ao, hồ bị lấn chiếm, thành nhà ở hoặc thành dự án”, ông Nghiêm nói.

Theo thống kê, Hà Nội đứng đầu cả nước về số lượng sông, hồ với khoảng 122 hồ nội thành, 13 con sông chảy qua. Giai đoạn từ 2015 - 2020, diện tích mặt nước tự nhiên đô thị giảm tới hơn 203ha bởi có tới 65% ao hồ bị san lấp, bị bức tử, xóa sổ.

Vừa qua, Hà Nội đã ban hành danh sách 3.164 ao, hồ không được san lấp, trong đó quận Hoàn Kiếm có 1 hồ trong danh sách, Hai Bà Trưng 9, Ba Đình 11, Thanh Xuân 9, Đống Đa 15, Tây Hồ 18, Cầu Giấy 29 hồ...

Các huyện có số lượng hồ, ao, đầm lớn như: Thanh Oai 275, Quốc Oai 276, Thường Tín 239, Đan Phượng 210, Phú Xuyên 201, Mê Linh 181, Phúc Thọ 178, Hoài Đức 126, Thạch Thất 151. Thế nhưng, nhiều hồ lớn tự nhiên không được đưa vào danh sách.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.