Chỉ mất 2 năm đi từ Phó thủ tướng lên Thủ tướng
Không giống như ông Lý Hiển Long, con trai của ông Lý Quang Diệu - Thủ tướng đầu tiên của Singapore, ông Lawrence Wong không xuất thân từ gia đình có truyền thống sự nghiệp chính trị mà từ một gia đình bình dân cha là nhân viên kinh doanh gốc Hoa, còn mẹ là giáo viên tiểu học.
Năm 1997, ông bắt đầu sự nghiệp với tư cách là một công chức. Phải đến năm 2011, ông Wong mới được bầu vào Quốc hội, bắt đầu tham gia chính trường tại quốc đảo Singapore.
Sau khi dấn thân vào con đường chính trị, uy tín của ông Wong không ngừng được nâng cao, được bổ nhiệm vào nhiều vị trí bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục, Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Văn hóa Cộng đồng và Thanh niên và Bộ Tài chính.
Đặc biệt, sau giai đoạn giữ vai trò Chủ tịch Lực lượng đặc nhiệm liên bộ ngành chống Covid-19 của chính phủ, ông đã được các bộ trưởng tán thành để trở thành người lãnh đạo thế hệ tiếp theo của đất nước. Chỉ hai tháng sau (tháng 6/2022), ông thăng chức, trở thành Phó thủ tướng Singapore.
Tháng 4/2022, ông Lawrence Wong, hiện là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính được chọn làm người đứng đầu thế hệ lãnh đạo thứ tư của đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền, mở đường cho ông trở thành Thủ tướng.
Đồng nghĩa, ông Wong chỉ giữ chức phó trong vòng 2 năm, trước khi trở thành thủ tướng. Thực tế, ông Ngô Tác Đống, cựu Thủ tướng thứ hai của Singapore giữ chức cấp phó dưới thời ông Lý Quang Diệu trong 5 năm, trong khi ông Lý Hiển Long làm Phó Thủ tướng 14 năm trước khi trở thành Thủ tướng.
Là lãnh đạo trẻ nhưng ngay từ đầu, ông Wong đã đề xuất tập trung xây dựng phong cách lãnh đạo tập thể luôn luôn lắng nghe, khuyến khích góp ý.
“Tôi không bao giờ cho là tôi đã biết hết mọi thứ hoặc có câu trả lời cho mọi vấn đề”, ông tuyên bố tại phiên họp của Đảng Hành động Nhân dân Singapore vào tháng 11/2023, khẳng định ông muốn lắng nghe đa dạng các luồng quan điểm và luôn cởi mở với những ý tưởng khác biệt.
Vị tân Thủ tướng cũng từng cho rằng, mọi nhà lãnh đạo phải điều chỉnh phong cách của mình để thích ứng với mọi hoàn cảnh và nhu cầu xã hội.
Thách thức đổi mới cho tân Thủ tướng Singapore
Qua ba thế hệ thủ tướng, Singapore trở thành một trong những nền kinh tế giàu có nhất thế giới nhờ thu hút đầu tư nước ngoài và xây dựng nền kinh tế định hướng xuất khẩu với chiến lược thương mại đa phương.
Di sản của những người tiền nhiệm cũng chính là áp lực và kỳ vọng nặng nề mà ông Wong phải đối mặt khi nhậm chức Thủ tướng. Ông cũng phải tự vạch ra con đường riêng nhằm phát triển các lĩnh vực từ kinh tế, an sinh xã hội đến ngoại giao, từ đó để lại dấu ấn của riêng bản thân trong sự nghiệp lãnh đạo đảo quốc sư tử.
Riêng về kinh tế, ông Wong được kỳ vọng sẽ tiếp nối đường hướng do những người tiền nhiệm đặt ra và đảm bảo độ mở lớn nhất có thể. Chính ông cũng từng khẳng định với tờ Nikkei Asia, các nền kinh tế nhỏ và có độ mở lớn như Singapore phải dựa vào dòng chảy thương mại và đầu tư tự do, coi đây là huyết mạch của toàn nền kinh tế.
Tuy nhiên, khi Singapore phát triển ở mức cao, nền kinh tế này không còn có thể kỳ vọng tăng trưởng theo cấp số nhân như trước đây, do đó ông Wong cũng phải đối mặt với thách thức đổi mới mô hình phát triển của Singapore.
Bên cạnh đó, ông Wong phải giải quyết các vấn đề tồn tại trong xã hội, bao gồm bất bình đẳng và chuyển dịch xã hội trong bối cảnh chi phí sinh hoạt ngày càng gia tăng.
“Nhiều người Singapore cảm thấy bị cuốn vào một cuộc chạy đua từ khi còn trẻ, phải chịu áp lực để đạt được điểm số cao nhất, chạy đua vào trường tốt nhất để từ đó giành được những suất vào đại học tốt nhất” - ông nói trong một cuộc họp với các nhà lập pháp Singapore.
Không chỉ vậy, tân Thủ tướng Singapore cũng cho biết khái niệm thu hút nhân tài của Singapore dường như vẫn quá hạn hẹp trong thế giới thay đổi như vũ bão ngày nay.
Thực tế, ông Wong đã thực hiện nhiều chính sách tăng cường an sinh xã hội để giải quyết những vấn đề trên, trong đó tuyên bố chính phủ đã đổi mới tư duy, cam kết sẽ tiến hành thay đổi lớn, đưa ra chương trình hỗ trợ tài chính tạm thời cho những người thất nghiệp.
Cam kết trên đi ngược với tư duy truyền thống trong xây dựng chính sách của Singapore, vốn lựa chọn các biện pháp khuyến khích tạo việc làm và hỗ trợ tiền lương để thúc đẩy khả năng tự lực của người dân. Trước đó, lãnh đạo Singapore cho rằng các khoản trợ cấp thất nghiệp làm giảm động lực khuyến khích người mất việc làm đi tìm công việc mới, dẫn đến cố tình kéo dài thời gian để hưởng trợ cấp.
Song theo ông Wong, đổi mới tư duy là điều phải làm khi nền kinh tế thay đổi với tốc độ ngày càng nhanh chóng. Tuy hiện nay tỷ lệ thất nghiệp của Singapore ở mức thấp nhưng những tiến bộ công nghệ như trí tuệ nhân tạo có thể dễ dàng phá vỡ cấu trúc hoạt động kinh doanh, khiến nhiều công việc hiện tại trở nên lỗi thời và tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng cao.
Đổi mới tư duy cũng là mục tiêu chính trong chiến dịch tham vấn người dân Forward Singapore sau khi ông được bầu chọn trở thành nhà lãnh đạo thế hệ tiếp theo vào năm 2022.
Đến nay, ông và các nhà lập pháp trẻ của Đảng Hành động Nhân dân cầm quyền thường xuyên tổ chức đối thoại với hơn 200.000 cử tri ở nhiều độ tuổi nhằm đưa ra các quyết định chính sách.
Ông thừa nhận ngày càng nhiều cử tri mong muốn nghe tiếng nói từ các phe đối lập trong Quốc hội, qua đó đảm bảo sự giám sát chặt chẽ các hoạt động chính trị, đồng thời bảo đảm cân bằng quyền lực.
Đồng tình với nhận định này, Phó Giáo sư Eugene Tan, Đại học Quản lý Singapore, cho biết cử tri trẻ tuổi kỳ vọng chính trị Singapore trở nên đa dạng hơn và cạnh tranh hơn dưới sự lãnh đạo mới.
“Điều quan trọng là ông Wong có thể quản lý những biến đổi chính trị này thế nào. Nếu ông Wong không thể kiểm soát nhịp độ thay đổi mà bị ảnh hưởng, tôi cho rằng khả năng duy trì quyền lực quốc gia của nhà lãnh đạo mới sẽ suy yếu”, ông Tan cho biết thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận