Lắp thêm thang thoát hiểm, giải pháp cần thiết
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, thang thoát hiểm được lắp đặt dưới nhiều hình thức khác nhau phù hợp với độ cao, không gian tòa nhà. Trong đó có thang thả, thang treo tạm thời nhằm xử lý tình huống khi có sự cố.
Cũng có những chung cư mini, tòa nhà to lắp đặt những thang thoát nạn khung thép kiên cố, lắp bên ngoài tòa nhà như cầu thang bộ hành thứ 2.
Đơn cử như chung cư mini 8 tầng tại phố Mễ Trì Hạ. Thang thoát nạn lắp kiên cố, chạy dọc theo chiều cao tòa nhà.
Hay như tại khu đô thị Hateco, 2 trường mầm non tư thục cũng đã lắp thang thoát hiểm phía sau nhà. Thang này cũng xuất hiện ở các khu vực khác như chung cư mini trên địa bàn quận Đống Đa, Hoàng Mai...
Chia sẻ với PV trước đó, ông Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho rằng, việc lắp đặt thang thoát hiểm bên ngoài chung cư mini lúc này là giải pháp căn cơ, có thể thực hiện được.
"Nhìn từ chung cư mini vừa bị cháy, chúng ta thấy do không có giải pháp thoát nạn, một số người nhảy từ tầng cao xuống hoặc nhảy sang nhà bên cạnh, việc này rất nguy hiểm. Hiện nay, chủ công trình lắp đặt thang bên ngoài để có lối thoát nạn tốt hơn...", ông Ngọc Anh nói.
Lắp thang thoát hiểm có phải xin cấp phép?
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Đỗ Đức Thông, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Mễ Trì cho biết, lắp thang thoát hiểm trong chỉ giới đỏ không phải xin cấp phép. Hay nói cách khác, lắp thang thoát hiểm trong đất của gia đình thì không phải xin cấp phép.
Còn theo ông Lê Văn Thịnh, Trưởng phòng Giám định 1, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng xây dựng, đối với những công trình nhà cao tầng, chung cư mini thì cầu thang thoát hiểm là bộ phận không thể thiếu bên cạnh cầu thang máy.
Nó đóng vai trò là lối đi khẩn cấp cho con người khi các tòa nhà xảy ra các sự cố nguy hiểm liên quan tới cháy nổ.
Ông Thịnh cho biết, quy chuẩn của thang thoát hiểm được quy định tại Thông tư ban hành QCVN 06:2022/BXD.
Theo đó, nhà cao tầng có diện tích mỗi tầng lớn hơn 300m2 thì hành lang chung hoặc lối đi phải có ít nhất hai lối thoát ra hai cầu thang thoát hiểm.
Theo tiêu chuẩn thang thoát hiểm nhà cao tầng, có thể thiết kế một cầu thang thoát hiểm ở một phía, còn phía kia phải thiết kế ban công nối với thang thoát hiểm bên ngoài nếu diện tích mỗi tầng nhỏ hơn 300m2.
Ban công nối với thang thoát hiểm bên ngoài phải chứa đủ số người được tính trong các phòng trên tầng đó.
Vì tính chất thoát hiểm nên cầu thang phải đảm bảo kết cấu chịu lực hơn những loại cầu thang bộ bình thường.
Khi gặp sự cố sẽ có số lượng người lớn di chuyển bằng cầu thang thoát hiểm, vì thế cầu thang phải có kết cấu chịu lực trọng tải lớn hơn.
Bên cạnh đó nếu xảy ra động đất thì kết cấu chịu lực là yếu tố giúp cho cầu thang trụ vững. Đây là một trong những tiêu chuẩn thang thoát hiểm nhà cao tầng quan trọng hàng đầu.
Cũng theo ông Thịnh, tiêu chuẩn thang thoát hiểm quy định số lượng bậc thang của mỗi vế thang không ít hơn 3 và không nhiều hơn 18 bậc.
Không được thiết kế thang thoát hiểm hình xoắn ốc hoặc hình dẻ quạt. Góc nghiêng lớn nhất của thang là 1:1,75. Ngoài ra, còn nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật khác được quy định chi tiết tại QCVN 06:2022/BXD, ông Thịnh cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận