Kinh tế

Chuyên gia Cấn Văn Lực hiến kế phòng chống suy thoái kinh tế cục bộ

17/12/2022, 13:59

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đưa ra nhiều giải pháp giúp kinh tế và thị trường tài chính phát triển lành mạnh.

Nhiều áp lực với kinh tế và thị trường tài chính

Các giải pháp trên được Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV & Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia đưa ra tại Hội thảo Lành mạnh hoá thị trường tài chính và thị trường bất động sản để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, diễn ra sáng nay (17/12).

img

TS Cấn Văn Lực phát biểu tham luận tại hội thảo

Tại bài tham luận, ông Lực ghi nhận những thành quả mà kinh tế trong nước đạt được như: Dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2022 đạt khoảng 8% trong khi lạm phát được kiểm soát tốt, CPI bình quân cả năm 2022 tăng khoảng 3,3% (thấp hơn mục tiêu khoảng 4%)... Bên cạnh đó, ông Lực cũng chỉ ra những vẫn đề cần nhìn nhận trước, xu hướng biến động năm 2023, từ đó để nhà nước sớm đưa ra những giải pháp nhằm giúp kinh tế phát triển bền vững.

Theo ông Lực, năm 2022, kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với 6 khó khăn, thách thức chính như: Môi trường quốc tế đang kém thuận lợi; một số khu vực, quốc gia, đặc biệt là các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam có thể rơi vào suy thoái nhẹ, làm giảm lực cầu xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng và du lịch quốc tế; giải ngân đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi 2022-2023 vẫn còn chậm; áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất còn tăng và vẫn là thách thức lớn trong năm 2023; nợ xấu tiềm ẩn có thể gia tăng trong thời gian tới; rủi ro thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), bất động sản và thanh khoản hệ thống ngân hàng chưa giảm rõ rệt; thị trường lao động xuất hiện dấu hiệu đáng lo ngại.

Dự báo, năm 2023, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, GDP Việt Nam tăng trưởng khoảng 6-6,5% (kịch bản cơ sở); lạm phát dự báo CPI bình quân năm 2023 sẽ ở mức 4-4,5% (từ mức 3,3% năm 2022); một số mặt hàng do Nhà nước quản lý (lương cơ bản, giá điện, y tế, giáo dục...). Ngoài ra còn áp lực lãi suất, tỷ giá, thu ngân sách....

Cần thực hiện đồng bộ nhiều chính sách điều tiết kinh tế

Ông Lực cũng chỉ ra những thách thức với thị trường giai đoạn 2022-2023 như: Lĩnh vực ngân hàng, một số văn bản pháp lý về chuyển đổi số chậm ban hành hoặc gặp nhiều khó khăn khi triển khai như gói hỗ trợ lãi suất 2% thuộc Chương trình phục hồi; dư địa chính sách tiền tệ đã bị thu hẹp; hệ số an toàn vốn (CAR) của các NHTM Việt Nam cải thiện chậm và ở mức thấp so với khu vực...

Đối với thị trường chứng khoán, dòng tiền vào TTCK Việt Nam sụt giảm mạnh so với 2 năm trước. Hiện tượng này là do hầu hết những dòng tiền chính đổ vào TTCK Việt Nam thời gian qua đều giảm. TTCK chịu áp lực giải chấp. Niềm tin của nhà đầu tư chứng khoán giảm mạnh...

Nhìn nhận thực trạng và xu hướng của kinh tế và thị trường tài chính, ông Lực đưa ra nhiều kiến nghị, đặc biệt là đối với thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ. Cụ thể: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế... Trong đó, chủ động phân tích, dự báo diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế để có kịch bản chủ động ứng phó phù hợp;

Tiếp tục đẩy nhanh các cấu phần trong Chương trình phục kinh tế - xã hội năm 2022-2023. Triển khai kịp thời và hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất 2% quy mô 40 nghìn tỷ đồng nhằm hỗ trợ tài chính cho DN, giảm áp lực vốn tín dụng, giảm nợ đọng; phấn đấu hết năm, đạt khoảng 85-90% kế hoạch giải ngân đầu tư công;

Nghiên cứu ban hành Luật bảo vệ nhà đầu tư và thành lập Quỹ bảo vệ nhà đầu tư như kinh nghiệm của Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc, Ấn Độ và Singapore. Sửa đổi Nghị định 128 theo hướng tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trên TTCK, tăng tính răn đe và hiệu lực thực thi pháp luật (mức phạt tối đa hiện nay là 1,5 tỷ đồng với cá nhân và 3 tỷ đồng với tổ chức vẫn thấp so với thiệt hại, sự suy giảm niềm tin đầu tư của cộng đồng);

Tăng cường tuyên truyền và mở rộng các chương trình giáo dục tài chính để nâng cao năng lực của nhà đầu tư, giúp họ đưa ra quyết định đầu tư, sử dụng đòn bẩy tài chính hợp lý, tránh tâm lý đám đông...

Cuối cùng, giám sát và chỉ đạo thực hiện các nhóm giải pháp đồng bộ để phát triển lành mạnh thị trường bảo hiểm. Trong đó, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08. Khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong Kinh doanh bảo hiểm; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm, quy định chi tiết về hạn mức đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.