Tin tức Covid-19 TP.HCM hôm nay ngày 24/8 mới nhất, thông tin các ca nhiễm mới, ca tử vong và khỏi bệnh được cập nhật liên tục trong ngày tại Báo Giao thông.
Lực lượng quân đội tham gia chống dịch tại TP.HCM
Tính từ 18h30 ngày 23/8 đến 18h ngày 24/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 4.627 trường hợp nhiễm mới tại TP.HCM.
Như vậy trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM đã có tổng cộng 184.872 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố.
Phát hiện 6.000 mẫu dương tính khi test 170.000 mẫu vùng cam, đỏ
Chiều 24/8, tại họp báo cung cấp về tình hình dịch Covid-19, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, chiến dịch xét nghiệm diện rộng trên địa bàn đã phát hiện hơn 6.000 mẫu dương tính trong số 170.000 mẫu (test nhanh, mẫu đơn) ngày đầu.
Theo đó, trong chiến dịch lần này, thành phố tập trung xét nghiệm khoảng 2 triệu mẫu và xét nghiệm mẫu vùng đỏ, cam trước. Dự kiến trong ngày 25/8 sẽ xét nghiệm xong. Tuy nhiên, số liệu ngày xét nghiệm đầu tiên cho thấy chiến dịch chưa đáp ứng được tiến độ.
Chỉ cần một người trong gia đình biết làm là có thể hướng dẫn hoặc làm cho cả nhà
Cụ thể, ngày đầu ngành y tế xét nghiệm được khoảng 170.000 mẫu (test nhanh, mẫu đơn), trong đó, phát hiện hơn 6.000 mẫu dương tính.
"Đây là tỷ lệ chấp nhận được vì vẫn thấp hơn tỷ lệ 5% theo hướng dẫn của WHO (Tổ chức Y tế thế giới)", ông Hưng nhận định.
Ca tử vong vẫn cao, người dân phải ý thức hơn
Trưa 24/8, thông tin từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, TPHCM cho biết, trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, Thành phố đã có tổng cộng 180.245 trường hợp mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố.
Các bệnh viện trên địa bàn hiện đang điều trị 36.029 bệnh nhân, trong đó có 2.243 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.563 bệnh nhân nặng đang thở máy và 20 bệnh nhân can thiệp ECMO.
Sáng 24/8, theo số liệu cập nhật của Ban Chủ đạo phòng chống dịch TP.HCM cho thấy từ 18h ngày 22/8 đến 6 giờ ngày 23/8 TP.HCM có 1.671 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 01/01/2021 đến nay là 91.218), 340 trường hợp tử vong. Cộng dồn từ đầu năm 2021 đến nay, tổng số tử vong vì COVID-19 đã lên tới 7.010 trường hợp.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo Quận ủy, UBND quận 4, tối qua, ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 nhận định: "Dịch tại TP.HCM hiện rất phức tạp, do đó tuyệt đối không được để xảy ra chuyện chống dịch lúc đầu rất nghiêm, nhưng thời gian sau thì buông lỏng. Cá nhân, tập thể nào thiếu trách nhiệm, không đủ năng lực thì đứng qua một bên, phải kỷ luật nghiêm để dịch không dây dưa mãi. Phải thực hiện “người cách ly người, nhà cách ly nhà”, chăm lo 100% cho tất cả người dân, người lang thang cơ nhỡ”.
Để tăng cường nguồn lực chống dịch, Bộ Tư lệnh TP.HCM đã bàn giao đội ngũ y, bác sĩ và 30 xe cứu thương cho Sở Y tế. Nhân lực, tài lực này được Bộ Quốc phòng tăng cường và ủy quyền cho Bộ Tư lệnh TPHCM triển khai bàn giao thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 thời gian tới.
Lực lượng trên được kỳ vọng sẽ góp phần hỗ trợ TP.HCM chủ động hơn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chống dịch, hướng tới mục tiêu khống chế, kiểm soát dịch COVID-19 sớm nhất, bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân.
Bên cạnh đó, UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định về tiếp nhận, phân bổ và sử dụng hàng dự trữ quốc gia để hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 (đợt 1). Theo đó, số lượng hàng tiếp nhận (đợt 1) là 14.549 tấn gạo. Thời gian thực hiện trước ngày 10/9. Việc giao nhận diễn ra cả ngày thứ bảy và chủ nhật. Địa điểm giao nhận tại trụ sở UBND Thành phố Thủ Đức và 21 quận, huyện.
Trong đó, một số địa phương được phân bổ trên 1 triệu tấn gạo gồm: Quận 7, Quận 12, Thành phố Thủ Đức, Bình Tân, Bình Thạnh, Gò Vấp, Hóc Môn, Bình Chánh. UBND TP.HCM giao các địa phương khẩn trương phối hợp chặt chẽ với Cục Dự trữ Nhà nước khu vực TP.HCM tổ chức triển khai tiếp nhận hàng dự trữ quốc gia để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Đồng thời, các đơn vị có trách nhiệm bảo quản hàng dự trữ quốc gia được phân bổ.
Cập nhật tin tức dịch Covid-19 TP.HCM hôm nay ngày 24/8. (Trong ảnh: Bộ đội trao quà, phát thực phẩm cho người dân khó khăn ở TP.HCM vào chiều 23/8/2021)
Tính từ 18h ngày 22/8 đến 18h30 ngày 23/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 10.280 ca nhiễm mới, trong đó 14 ca nhập cảnh và 10.266 ca ghi nhận trong nước.
Cụ thể tại TP.HCM (4.251), Bình Dương (3.183), Đồng Nai (623), Tiền Giang (459), Long An (388), Bà Rịa - Vũng Tàu (154), Đà Nẵng (152), Đắk Lắk (128), Khánh Hòa (125), Nghệ An (111), Đồng Tháp (100), Cần Thơ (85), An Giang (75), Bến Tre (65), Kiên Giang (57), Phú Yên (43), Hà Nội (40), Bình Thuận (36), Trà Vinh (34), Sơn La (21), Bình Định (19), Tây Ninh (17), Thừa Thiên Huế (17), Bình Phước (13), Vĩnh Long (10), Bắc Giang (9), Quảng Nam (8 ), Đắk Nông (7), Ninh Bình (6), Quảng Bình (6), Gia Lai (5), Bạc Liêu (5), Hà Tĩnh (4), Ninh Thuận (4), Bắc Ninh (2), Thanh Hóa (1), Hà Nam (1), Lâm Đồng (1), Cà Mau (1) trong đó có 6.021 ca trong cộng đồng.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến 23/8 là 8.666 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca mắc và tương đương với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới.
TP.HCM bổ sung đối tượng được ra đường
Ngày 23/8, UBND TP.HCM có văn bản về điều chỉnh, bổ sung một số nội dung tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian giãn cách xã hội.
Theo đó, ngày 21/8, UBND TP đã ban hành công văn số 2800 điều chỉnh, bổ sung một số nội dung tại công văn số 2796 về việc tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Đến ngày 23/8, căn cứ tình hình triển khai thực tế, UBND TP tiếp tục có ý kiến chỉ đạo, điều chỉnh một số nội dung.
Cụ thể, các nhóm đối tượng được phép ra đường vẫn áp dụng theo 17 nhóm đã quy định tại công văn 2800. Trong đó có sự điều chỉnh các lực lượng được ưu tiên và không yêu cầu có giấy đi đường khi qua chốt gồm:
- Lực lượng cán bộ, nhân viên ngành y tế có thẻ ngành y tế hoặc giấy đi đường do Sở Y tế, thủ trưởng các cơ sở y tế được thành lập theo quy định pháp luật.
- Người dân đi tiêm vắc xin có tin nhắn báo lịch tiêm hoặc giấy báo mời tiêm và kèm giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân để trình cho chốt kiểm soát.
- Nhân viên hệ thống phân phối (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng cung cấp lương thực thực phâm) có thẻ nhân viên và giấy xác nhận công tác của đơn vị; chỉ áp dụng cho đến khi có giấy đi đường do Công an TP cấp.
Ngoài ra, UBND TP cũng bổ sung thêm nhóm đối tượng được phép lưu thông gồm:
- Các trường cao đẳng, trung cấp nghề nghiệp (mỗi trường 10 giấy) do Sở Lao động - thương binh và xã hội tổng hợp danh sách và báo số lượng về Công an TP (mã 1A)..
- Nhân viên giao hàng bằng phương tiện vận tải của đơn vị cung ứng lương thực, thực phẩm, suất ăn thuộc các đơn vị, doanh nghiệp đang thực hiện sản xuất theo phương thức "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến" trong khu chế xuất, khu công nghiệp. Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp tổng hợp danh sách và báo số lượng về Công an TP (mã 12).
Đối với các phương tiện vận tải hàng hóa (bao gồm tài xế và 1 phụ xế) đã được ngành giao thông vận tải cấp thẻ QR code, không tiến hành kiểm tra thẻ đi đường cá nhân.
Công an TP là đơn vị in và ký cấp giấy cho toàn bộ các nhóm đối tượng trên. Khi chưa có giấy đi đường nêu trên của Công an TP thì vẫn áp dụng các loại giấy đi đường đã quy định tại công văn số 2800 và công văn số 2796 của UBND TP cho đến 0h ngày 25/8.
Về việc trang bị và phân bổ áo nhận diện cho cơ quan, đơn vị có liên quan, UBND TP chỉ đạo đối với cấp TP thì giao Sở Công thương, Bộ tư lệnh TP chuẩn bị số lượng áo nhận diện.
Sở Nội vụ chịu trách nhiệm phân bổ cho các cơ quan khối đảng, đoàn thể, các sở, ban, ngành TP và các ban quản lý trực thuộc UBND TP. Các sở, ban, ngành TP chịu trách nhiệm phân bổ cho các đơn vị trực thuộc.
Còn đối với cấp huyện, UBND TP và các quận huyện chịu trách nhiệm trang bị và phân bổ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc; bao gồm cả khối đảng, đoàn thể cấp huyện.
Những thực phẩm thiết yếu như gạo, muối, nước tương, nước mắm... sẽ được trao đến tận tay người dân. Trong ảnh: Các chiến sĩ quân đội trao quà cho người dân phường 5, quận 8 chiều ngày 23/8. (Ảnh: Lê Toàn)
TP.HCM có 500 taxi tham gia chuyển người bệnh
Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM vào chiều 23/8, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP.HCM, cho biết qua 5 đợt, hiện TP đã tiêm được 5.447.056 liều vắc-xin Covid-19. Riêng ngày 22/8, TP tiêm được 52.212 người.
Về xét nghiệm, trong 24 giờ từ 18h ngày 21/8 đến 18 giờ ngày 22/8, TP xét nghiệm được 115.360 trường hợp, trong đó số người được làm test nhanh kháng nguyên là 53.095 và 62.265 người được xét nghiệm PCR.
TP đã trải qua 16 giờ tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng chống dịch với tinh thần thực hiện triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả lấy người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng chống dịch.
Trong thời gian thực hiện các biện pháp tăng cường giãn cách xã hội, nếu người bệnh thông thường muốn chuyển bệnh sẽ gọi cho tổng đài của hãng taxi Mai Linh hoặc Vinasun để được chuyển bệnh. TP đã bố trí 500 taxi để vận chuyển các đối tượng này.
Về taxi chuyển bệnh do Trung tâm Cấp cứu 115 quản lý, hiện nay quản lý 65 xe của Mai Linh (có nhân viên y tế, ôxy trên xe) và từ nay đến cuối tuần vận hành thêm 35 xe nữa là 100 xe.
Xe phục vụ cho đội phản ứng nhanh có 260 xe 16 chỗ hoán cải của Phương Trang đã được Sở Y tế phân bổ về cho 22 quận, huyện, TP Thủ Đức để điều phối phản ứng nhanh ở địa phương
Về hỗ trợ đưa người có vé máy bay đi nước ngoài đến cảng hàng không quốc tế để thực hiện chuyến bay, khi các cơ quan chức năng kiểm tra tại các chốt kiểm soát cần xuất trình hộ chiếu (kèm theo visa còn hiệu lực); vé máy bay (bằng giấy hoặc điện tử), trong đó gồm có: Code vé máy bay, thời gian bay, ngày bay, số hiệu chuyến bay; giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 còn hiệu lực bằng phương pháp RT-PCR; thực hiện khai báo y tế và thực hiện nghiêm biện pháp 5K theo quy định của Bộ Y tế.
Đồng thời, đảm bảo 1 người đi 1 xe, không đi chung xe với người khác (trừ trường hợp nhiều người trong cùng 1 gia đình, sống trong cùng 1 nhà và có vé máy bay ra nước ngoài trên cùng 1 chuyến bay).
Về công tác an sinh, bà Tô Thị Bích Châu, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, cho biết TP đã thành lập Trung tâm an sinh hỗ trợ người khó khăn trên địa bàn TP. Đến nay, đã tiếp nhận và phân phối số tiền 53 tỉ 212 triệu đồng.
Để kiểm soát dịch bệnh từ 0h ngày 23/8, TP.HCM đã tăng cường thực hiện 5 nhóm giải pháp, kiểm soát nghiêm hơn nữa các nhóm đối tượng được phép lưu thông trên đường.
Ngành y tế TP.HCM khuyến cáo mỗi người dân bình tĩnh và chung sức cùng thành phố thực hiện các quy định phòng chống dịch; dùng thuốc đúng cách trong điều trị và học cách tự theo dõi, chăm sóc sức khỏe bản thân khi thực hiện cách ly tại nhà.
Vận hành "ATM oxy" hoạt động từ 8h-17h
Ngày 21/ 8, Sở Y tế TP.HCM đã được trao 1.000 bình oxy loại 40 lít/bình hỗ trợ kịp thời cho công tác điều trị, cấp cứu bệnh nhân COVID-19. Đây là hoạt động trong chuỗi chương trình "ATM oxy" do Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam chủ trì triển khai từ tháng 8-2021.
Các "ATM oxy" hoạt động từ 8h-17h hằng ngày, cung cấp máy tạo oxy, bình oxy hỗ trợ công tác chăm sóc sức khỏe của hệ thống bệnh viện, cơ sở y tế cũng được thuận lợi hơn, mục tiêu giúp bệnh nhân đang điều trị COVID-19 sớm hồi phục.
Trong 14 ngày tới, TP.HCM sẽ tổ chức xét nghiệm kháng nguyên mẫu đơn cho toàn bộ người dân trong 'vùng cam' và 'vùng đỏ' gồm TP Thủ Đức và các quận 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh, Hóc Môn.
Người dân trình giấy tờ được phép ra đường cho lực lượng chức năng kiểm tra. (Ảnh: Vnn)
Nhiều siêu thị lớn ở TP.HCM vẫn hoạt động
Các siêu thị lớn trên địa bàn TP.HCM như Satra, Saigon Co.op, AEON, MM Mega Market... đều khẳng định vẫn mở cửa hoạt động và sẵn sàng phối hợp với các tổ đặc biệt của phường để cung ứng hàng hóa cho dân. Từ ngày 23/8, tất cả hoạt động mua bán hàng hóa, lương thực thực phẩm của người dân sẽ được các cơ quan địa phương hỗ trợ thực hiện.
Các hoạt động bán lẻ trực tiếp sẽ tạm dừng và chỉ còn tổ chức bán hàng theo cách thức duy nhất là "soạn đơn theo yêu cầu" và giao qua lực lượng chức năng. Trong ngày 22/8, nhiều combo hàng thiết yếu đã được các nhà phân phối thiết kế, kèm mức giá cụ thể gửi về cho các tổ đặc biệt.
Đại diện SatraFood cho biết từ ngày 23/8, 120 trong số 188 cửa hàng ở khu vực TP.HCM sẽ hoạt động bình thường. Các điểm bán này vừa nằm trong "vùng xanh" và "vùng đỏ", riêng gần 70 cửa hàng phải đóng cửa do không đủ nhân sự đáp ứng yêu cầu "3 tại chỗ".
Trong ngày 22/8, hệ thống này cũng đã hoàn thành mẫu 6 combo thực phẩm khác nhau để giới thiệu đến khách hàng. Các mẫu combo có giá bình quân 300.000 đồng đa dạng mặt hàng từ trứng, rau, hành ngò đến thịt gà, thịt bò, heo... Người dân cũng được lựa chọn thêm số lượng theo nhu cầu.
"Dựa trên đơn hàng này, tổ tình nguyện của khu phố sẽ chuyển đơn hàng và thanh toán tiền cho cán bộ đầu mối tại phường để nhập dữ liệu đặt hàng trước 9h30 hằng ngày để chuyển về phòng kinh tế. Từ đây, các đơn hàng được tổng hợp và chuyển về cho siêu thị, cửa hàng để chuẩn bị soạn hàng hóa trước 11h30 hằng ngày.
Hàng sẽ được đóng gói và chuyển giao về điểm tập kết của khu phố từng phường trong sáng hôm sau, người dân sẽ thanh toán khi nhận hàng" - đại diện SatraFood cho biết.
Theo ghi nhận, các siêu thị, cửa hàng đã bắt đầu thiết kế những mẫu combo khác nhau dựa trên nguồn hàng siêu thị sẵn có và đơn hàng từ phòng kinh tế. Đại diện Lottemart Việt Nam cho biết siêu thị xác định sẽ bán combo trong hai tuần tới và đang tính toán nhân sự.
Trong khi đó, AEON Việt Nam vẫn đang làm việc với Sở Công thương TP.HCM, đồng thời phối hợp với UBND quận Tân Phú và Bình Tân để hoàn tất các công tác chuẩn bị. Nhà bán lẻ này cũng sẽ tạm ngừng các kênh bán hàng trực tuyến (qua điện thoại, tin nhắn, các ứng dụng) tại khu vực TP.HCM kể từ ngày 23/8 cho đến khi có thông báo mới.
Ngay cả MM Mega Market Việt Nam dù chưa có đơn hàng từ phía phường trong ngày 22/8, nhưng cho biết vẫn mở cửa các ngày tiếp theo và sẵn sàng bán hàng theo yêu cầu đặt hàng từ phường.
Theo đại diện Phòng kinh tế quận 8, trên địa bàn quận có 5 hệ thống phân phối như San Hà, Bách Hóa Xanh, Saigon Co.op, Satra... và sẽ gánh hết tất cả các đơn hàng trên địa bàn quận. Theo tính toán, quận có khoảng 108.000 hộ, trong đó khoảng 47.000 hộ khó khăn và xác định sẽ hưởng gói an sinh xã hội trong thời gian này.
Với khoảng 61.000 hộ còn lại sẽ có nhu cầu sử dụng dịch vụ "đi chợ hộ" và quận chọn phương án triển khai khoảng 12 combo chia theo từng nhóm hàng rau, gia vị, củ, thịt, cá, đồ dùng vệ sinh, gia dụng... để người dân mua hàng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận