Xã hội

ĐBQH tranh luận bỏ hay giữ Quỹ bình ổn xăng dầu vì "điều hành có vấn đề"

07/11/2022, 19:36

Chiều 7/11, thảo luận tại tổ về Luật Giá (sửa đổi), nhiều đại biểu đã nêu quan điểm về việc có nên tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Điều hành xăng dầu có vấn đề

Chiều 7/11, Quốc hội thảo luận ở tổ về Luật Giá (sửa đổi).

Thảo luận ở tổ, đại biểu Nguyễn Trường Giang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, nhận xét việc điều hành Quỹ "vừa qua rất có vấn đề".

Ông Giang phân tích, theo quy định, nguồn hình thành quỹ này được trích lập thông qua giá mua, do người tiêu dùng chi trả (300 đồng/lít).


img

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông)

Việc trích - chi quỹ này vừa qua của cơ quan quản lý chưa hài hòa, khi giá thế giới liên tục tăng cao, số dư Quỹ lại âm. Khi giá thế giới giảm, giá trong nước lại hạ chậm hơn do phải trích lập, bù đắp cho phần Quỹ Bình ổn đã âm trước đó.Việc này khiến giá xăng dầu trong nước không tiệm cận thế giới, khi giảm thì giảm rất chậm.

Vì vậy, đại biểu Giang đề nghị nên bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu.

Đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) cũng nhìn nhận xét, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu thời gian qua tác động không lớn lắm.

"Khi nguồn cung không đảm bảo, Quỹ Bình ổn xăng dầu cũng không giải quyết được gì. Có nghĩa, chúng ta vẫn phải đương đầu với những khó khăn, khủng hoảng rất nghiêm trọng về nguồn cung. Do vậy tác động của Quỹ Bình ổn xăng dầu không lớn đến mức cần duy trì bằng mọi giá", đại biểu Long đề xuất.

Trong bối cảnh tới đây sẽ điều chỉnh chính sách về thuế, kể cả thuế VAT, tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu, đại biểu Long cho rằng, nên xem lại việc vận hành Quỹ Bình ổn xăng dầu. Ông đề nghị cần thiết kế cơ chế, điều kiện để đảm bảo sử dụng Quỹ Bình ổn giá linh hoạt, kịp thời hơn trong những trường hợp thị trường dị biệt, bất ổn như hiện nay.

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cũng cho rằng, Quỹ Bình ổn xăng dầu hình thành qua trích lập từ giá mua người tiêu dùng trả, giao cho doanh nghiệp quản lý. Xăng dầu là loại hàng đặc biệt, ngoài quỹ, có thể điều tiết thông qua cơ chế thuế, phí. Do đó, nếu giữ quỹ này, chỉ nên duy trì một thời gian và về dài hạn "tiến tới bỏ".

Đề xuất quy định cụ thể mức trần lợi nhuận trên giá vốn

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội lấy dẫn chứng từ thực tiễn công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua cho biết, có thời điểm giá một số loại hàng hóa, trang thiết bị vật tư tiêu hao như: kit xét nghiệm, sinh phẩm xét nghiệm khẩu trang, thậm chí các trang thiết bị y tế đều tăng rất nhanh.

img

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội)

Cá biệt, chỉ trong khoảng 2-3 tuần giá cả có thể tăng 5-7 lần do nhu cầu tăng đột biến. Đồng thời, nguồn cung bị hạn chế do bị đứt gãy chuỗi cung ứng vì ảnh hưởng của dịch bệnh.

"Tuy nhiên, thị trường vẫn chấp nhận tạm thời vì đây là những mặt hàng thiết yếu. Vì vậy, trong nội dung điều khoản cần phải làm rõ khái niệm "bất hợp lý" và "không phù hợp", bà Hà nói.

Cũng theo bà Hà, một số đoàn kiểm tra, thanh tra đã cảnh báo dấu hiệu vi phạm khi bán giá hàng hóa cao gấp giá nhập khẩu vài chục phần trăm. Chính vì vậy tạo ra tâm lý lo lắng cho các cơ sở y tế Nhà nước khi phải mua bán trang thiết bị, sinh phẩm, vật tư phòng, chống dịch.

Thậm chí, cả bên cung ứng, bên bán cũng không muốn tham gia vào các giao dịch với các cơ sở y tế vào thời điểm dịch bệnh bùng phát do sợ phải giải trình với các cơ quan có thẩm quyền về vấn đề lợi nhuận.

Nữ đại biểu cho rằng, để đảm bảo sự vận hành của nền kinh tế thị trường, bên bán không cần thiết phải cung cấp cho bên mua toàn bộ tài liệu về giá vốn hay giá thành toàn bộ của hàng hóa, dịch vụ.

Tuy nhiên, bên bán phải chịu trách nhiệm với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và cơ quan điều tra khi để mức lợi nhuận cao hơn mức lợi nhuận trần đã được quy định trong trong điều kiện khủng hoảng kinh tế, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh.

“Đây là nội dung rất quan trọng để tháo gỡ những khó khăn cho ngành y tế, cũng như một số lĩnh vực liên quan trong những điều kiện khủng hoảng, đặc biệt là trong dịch bệnh”, bà Hà nhấn mạnh.

img

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP. HCM)

Kiểu bán thuốc rẻ như viên gạch đang giết chết ngành công nghiệp dược

Còn đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP. HCM) cho biết, hiện có rất nhiều trường hợp kết tội doanh nghiệp ăn lời cắt cổ, ăn lời quá cao trong đó có cả giá test kít Covid-19 vừa qua, nhưng thử hỏi có căn cứ nào để xử phạt không khi chưa đưa ra được thế nào là cao, bao nhiêu là cao.

"Chuyện doanh nghiệp kê khai giá, nhà nước duyệt, từ trước đến giờ, tôi thấy chưa phát huy tác dụng bởi chẳng hiểu lấy căn cứ nào để duyệt, cho đến khi xã hội kêu ầm ầm đắt lại lôi các chuyên viên, những người chịu trách nhiệm duyệt giá ra xử trong khi chẳng có nền tảng nào để đánh giá, nhiều khi rất oan ức", đại biểu Lan nhìn nhận.

Bà Lan đề xuất phải có những quy định cụ thể hơn, áp dụng quy luật thị trường, có sự điều tiết của nhà nước để đảm bảo bình ổn. Các biện pháp đưa ra không chỉ kê khai giá, duyệt và niêm yết giá mà cần phải có quy định xây dựng tỷ suất cho rõ ràng.

"Từ trước đến giờ, chúng ta vẫn chỉ quan tâm tới giá trần mà chưa quan tâm tới giá sàn, bởi giá tối thiểu mà rẻ mạt thì chưa chắc là tốt. Tôi lấy ví dụ như sự phát triển của công nghiệp dược, thời gian qua cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, có những doanh nghiệp dược đầu tư đạt chuẩn quốc tế nhưng không làm gì được trước tình trạng đấu thầu theo hướng giá rẻ, không thể cạnh tranh nổi với nơi làm ra viên thuốc rẻ hơn viên gạch", nữ đại biểu nêu.

Bà dẫn chứng thêm việc nghiên cứu những toa thuốc ở bệnh viện sẽ thấy sự khác nhau rõ rệt giữa bệnh viện tư và bệnh viên công, giữa dịch vụ và bảo hiểm. Bà từng chứng kiến một người chữa bệnh mỡ máu ở bệnh viện tuyến thành phố nhưng một tuần dùng thuốc chỉ hết 20.000 đồng.

"Tôi không biết thuốc đó làm bằng gì, làm bằng bột mỳ cũng không có giá đó. Những thuốc như vậy đang giết chết ngành công nghiệp dược. Tôi không ủng hộ việc bán giá trên trời nhưng phải bán sao cho đúng với giá trị của thuốc. Đối với Luật giá phải lưu ý để giá trần và giá sàn", bà Lan nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.