Cuộc biểu tình quy mô lớn xảy ra trong bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh EU tổ chức vào ngày 1/2. Theo thông tin từ giới chức địa phương, giao thông ở khu vực trung tâm Brussels, nơi đặt trụ sở của Ủy ban Châu Âu, Hội đồng EU và Nghị viện Châu Âu, bị tê liệt.
Cảnh sát địa phương cho biết, các đoàn xe đầu kéo bắt đầu tràn vào Brussels vào tối ngày 31/1 và rạng sáng 1/2, khoảng 1.300 phương tiện tràn ra đường phố ở thủ đô của Bỉ.
Theo RT, những người nông dân Bỉ tập trung trước tòa nhà Nghị viện châu Âu trên Quảng trường Luxembourg, đốt lốp xe, tấm pallet đựng hàng.
Nhiều đối tượng quá khích thậm chí còn ném trứng, đá, ném pháo hoa và vật liệu nổ vào cơ quan lập pháp, trong khi cảnh tượng tương tự diễn ra bên ngoài trụ sở Hội đồng châu Âu gần đó.
Cảnh sát chống bạo động đã phải sử dụng vòi rồng để dập tắt đám cháy và giải tán đám đông.
Cuộc biểu tình là đỉnh điểm làn sóng tức giận của nông dân khu vực châu Âu thời gian qua. Nông dân ở Đức đã chặn đường phố kể từ tháng 12/2023, phản ứng trước quyết định cắt giảm trợ cấp dầu diesel cho nông dân còn nông dân Pháp phản đối chi phí năng lượng tăng cao.
Ở Đông Âu, nông dân đã biểu tình phản đối chính sách miễn thuế nhập khẩu ngũ cốc cho Ukraine vì cho rằng nông sản của họ không thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ.
Cảnh sát sử dụng vòi rồng dập tắt đám cháy và đẩy lùi đám đông biểu tình (Video: RT)
Nông dân châu Âu cũng đã ra yêu sách đề nghị EU thay đổi một số quy định, trong đó có yêu cầu duy trì 4% diện tích "đất phi nông nghiệp" để bảo vệ môi trường và hạn chế số lượng gia súc, gia cầm nhằm giảm phát thải nitơ.
Hội đồng châu Âu đã tổ chức một phiên họp sáng 1/2, song các vấn đề nông nghiệp không có trong chương trình nghị sự. Thay vào đó, hội đồng đã nhất trí về gói viện trợ tài chính trị giá 50 tỷ euro cho Ukraine.
Tuy nhiên, trao đổi với báo giới, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cho biết, những vấn đề người nông dân quan tâm sẽ sớm được đưa ra thảo luận, đồng thời các nhà lãnh đạo EU "cần đảm bảo người nông dân sẽ bán được nông sản chất lượng cao của họ với mức giá hợp lý".
Với cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu sắp diễn ra vào tháng 6/2024, trong thông báo ngày 30/1, Ủy ban châu Âu tuyên bố sẽ thực hiện một số nhượng bộ cho người nông dân như miễn trừ 1 năm đối với quy định đất phi nông nghiệp cho một số nhà sản xuất và hạn chế nhập khẩu gia cầm, trứng và đường của Ukraine. Tuy nhiên, Ủy ban cho biết sẽ tiếp tục miễn thuế đối với tất cả các nông sản khác của Ukraine đến tháng 6/2025.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận