Vì sao cần bổ sung thông tin nơi sinh?
Thông tin nêu trên được thiếu tướng Phạm Đăng Khoa, Cục trưởng Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (XNC) Bộ Công an, nêu tại họp báo đánh giá kết quả triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh... (Luật số 23) và cổng kiểm soát XNC (Autogate), sáng 30/8.
Theo thiếu tướng Phạm Đăng Khoa, Luật số 23 được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 24/6 tại kỳ họp thứ 5, có hiệu lực từ ngày 15/8, đã góp phần đơn giản hóa, tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy cải cách hành chính, phân cấp, thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Luật mới còn tạo thuận lợi cho mọi cơ quan, tổ chức, người nước ngoài và người dân khi xuất cảnh, nhập cảnh.
Lãnh đạo Cục Quản lý XNC cũng đã chỉ ra 5 điểm mới nổi bật của Luật số 23:
Thứ nhất, luật mới bổ sung thông tin nơi sinh trên giấy tờ xuất nhập cảnh. Đây là giải pháp kịp thời tạo điều kiện cho công dân Việt Nam khi xuất cảnh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, giúp công dân Việt Nam được tạo thuận lợi khi xin thị thực, nhập cảnh, cư trú... ở những nước có yêu cầu in thông tin nơi sinh trong hộ chiếu.
Thứ hai, bổ sung hình thức nộp hồ sơ trên môi trường điện tử đối với thủ tục đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông, báo mất hay khôi phục giá trị sử dụng của hộ chiếu phổ thông. Mục đích để đẩy mạnh cải cách hành chính, phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành xây dựng Chính phủ số, đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong khu vực ASEAN về Chính phủ điện tử.
Thứ ba, giảm bớt giấy tờ mà người dân phải nộp khi đề nghị cấp hộ chiếu, cụ thể: Bỏ quy định nộp bản chụp CMND hoặc CCCD khi có sự thay đổi thông tin về nhân thân so với thông tin trong hộ chiếu đã cấp lần gần nhất; bỏ quy định nộp bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh đối với người chưa đủ 14 tuổi đã có mã số định danh. Việc này nhằm tránh gây phiền hà cho người dân khi phải chuẩn bị nhiều loại giấy tờ.
Thứ tư, bổ sung quy định hủy giá trị sử dụng hộ chiếu phổ thông đối với các trường hợp đã được cấp hộ chiếu, nhưng sau 12 tháng kể từ ngày cơ quan chức năng hẹn trả hộ chiếu mà công dân không nhận.
Thứ năm, bỏ quy định về việc hộ chiếu còn hạn 6 tháng mới được xuất cảnh, đặc biệt đối với công dân có hộ chiếu còn thời hạn dưới 6 tháng nhưng có thị thực nhập cảnh nước ngoài được định cư ở nước ngoài
Nâng thời hạn thị thực điện tử không quá ba tháng
Cũng theo Cục Quản lý XNC, Luật số 23 cho phép nâng thời hạn của thị thực điện tử từ 30 ngày thành không quá 90 ngày; nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày thành 45 ngày đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định.
Ngoài ra, theo luật mới, thị thực điện tử sẽ có giá trị một hoặc nhiều lần (trước đây thị thực chỉ có giá trị một lần).
Đáng chú ý, từ ngày 15/8, công dân Việt Nam và người nước ngoài có thể đề nghị cấp hộ chiếu, báo mất hoặc yêu cầu khôi phục giá trị sử dụng của hộ chiếu phổ thông. Điều này giúp tiết kiệm chi phí đi lại, giảm khâu trung gian hạn chế tiêu cực, sách nhiễu.
Đối với thời hạn thị thực điện tử được nâng thành không quá 90 ngày sẽ đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng dài ngày của khách du lịch quốc tế, nhất là nhóm du khách từ thị trường xa. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài muốn vào Việt Nam nghiên cứu, khảo sát thị trường, tìm kiếm, xúc tiến đầu tư.
Cục Quản lý XNC cho biết thêm, sau 15 ngày Luật số 23 có hiệu lực (từ 15/8 đến 30/8), có hơn 112.000 hồ sơ đề nghị cấp thị thực điện tử (tăng trên 70% so với trước khi luật có hiệu lực). Trong đó, công dân Trung Quốc dùng hộ chiếu điện tử chiếm khoảng 10% (hơn 9.100 hồ sơ).
Cũng trong 15 ngày qua, cơ quan XNC ghi nhận trên 337.000 lượt người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo diện đơn phương miễn thị thực, tập trung vào công dân các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh...
Riêng hệ thống Autogate ghi nhận 750.000 trường hợp đủ điều kiện sử dụng cổng này để làm thủ tục. Trong đó, 30.000 lượt công dân trong và ngoài nước được xuất, nhập cảnh bằng hệ thống này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận