Mỗi ngày Phà Vàm Cống (nối Đồng Tháp - An Giang) đón hàng ngàn lượt khách. Riêng trong 4 ngày lễ Quốc khánh 2/9 vừa qua, bình quân mỗi ngày bờ Long Xuyên (An Giang) hoạt động 76 chuyến phà. Nếu tính cả bờ Lấp Vò (Đồng Tháp), có 22.700 lượt khách qua lại.
Lúng túng việc trả lại tiền thừa cho khách đi phà
Từ năm 2022 đến nay, Phà An Giang và Đồng Tháp thực hiện giá vé phà giảm giá 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT). Theo đó, mỗi vé 6.000 đồng được giảm khoảng 120 đồng. Con số không lớn nhưng với hàng trăm ngàn lượt khách qua phà mỗi năm thì lại là số tiền đáng kể.
Phà chủ yếu phục vụ người đi bộ, xe máy và ô tô tải có tải trọng dưới 7 tấn. Giá vé người đi có xe máy là 6.000 đồng/lượt, xe ô tô tải dưới 3 tấn 25.000 đồng/lượt, ô tô tải 5-7 tấn 60.000 đồng/lượt.
Với mức giá hiện tại, mỗi chuyến phà qua sông, người dân sẽ được thối lại thấp nhất vài chục đồng/lượt.
Với số tiền dư còn lại quá ít, chủ phà không biết thối lại bằng cách nào và hành khách cũng có xu hướng bỏ qua.
Bà Năm (67 tuổi), một khách đi phà nói: "Số tiền thừa trả lại ít quá nên tôi không để ý, đưa tròn luôn số tiền 6.000 đồng/lượt qua phà cho lẹ".
Ông Nguyễn Phúc Huấn, Phó giám đốc Phà Đồng Tháp cho biết, trong thực tế, việc phải thực hiện giảm tiền thuế giá trị gia tăng theo đúng quy định trên là không dễ dàng. Bởi, không có tiền mệnh giá thấp chỉ vài chục đồng hay 100 đồng để thối lại tiền thừa cho khách hàng. Ngay cả tiền mệnh giá 200-500 đồng hiện nay cũng rất hiếm.
"Các nơi khác cũng gặp khó khăn này và có nơi thối trả lại cho khách bằng kẹo hoặc hàng hóa có giá trị tương đương để khách được hưởng mức giảm thuế giá trị gia tăng theo quy định của Chính phủ. Chúng tôi cũng có thử...", ông Huấn nói.
Hàng tỷ đồng thu dư chưa biết nộp vào đâu...
Theo thống kê của phà An Giang, trong năm 2022, tiền thu dư của hành khách từ việc bán vé là 2 tỷ đồng. Còn trong tháng 7/2023 là 239 triệu đồng. Riêng tháng 8 chưa tổng kết sổ sách nên chưa biết số tiền cụ thể.
Trong khi đó, phía phà Đồng Tháp cũng có số tiền dư của hành khách trong năm 2022 gần 182 triệu đồng.
Ông Lê Hoàng Hải, Giám đốc phà Đồng Tháp cho biết: "Trước đó, công ty có báo cáo Sở Giao thông vận tải (GTVT) thực hiện theo phương án giữ nguyên mệnh giá vé đối với các loại vé mức giảm thuế suất dưới 1.000 đồng. Hằng tháng, đơn vị sẽ thống kê, ghi nhận và quản lý số tiền thừa do giảm thuế vì việc trả lại tiền thừa cho hành khách là không thể vì số tiền quá nhỏ".
"Số tiền thu dư của công ty phà xin để lại đến cuối năm trình UBND tỉnh xử lý là không đúng nguyên tắc tài chính, không có căn cứ", một cán bộ Sở Tư pháp tỉnh An Giang cho biết.
Ông Lê Hoàng Hải, Giám đốc phà Đồng Tháp cho biết: "Liên quan vấn đề này, đơn vị có họp và xin ý kiến ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở GTVT. Theo đề xuất của giám đốc Sở GTVT, đơn vị phải thực hiện báo cáo số tiền thu dư trong năm qua để trình Sở GTVT. Sau đó, Sở GTVT sẽ trình Sở Tài chính xin hướng dẫn cụ thể số tiền sẽ nộp về đâu, thủ tục thực hiện như thế nào cho đúng quy định".
"Thực tế cho thấy, việc áp dụng chính sách giảm giá thuế suất thuế giá trị gia tăng cho người đi phà là cần thiết, nhằm hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thực tế áp dụng lại rất khó khăn do số tiền dư ra không có mệnh giá để thối lại cho người dân. Do vậy, một phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tại các bến phà là việc làm cần được quan tâm thực hiện", một người dân đi phà Vàm Cống nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận