Đồng loạt hủy show
Hơn một tuần trước concert kỷ niệm 30 năm ca hát mang tên "Thiên hà tinh khôi", diva Hà Trần đột ngột thông báo hoãn vô thời hạn. Lý do cô đưa ra là vì đơn vị tổ chức "không còn đủ khả năng đáp ứng yêu cầu mang đến live concert tầm vóc như mong đợi của nghệ sĩ và khán giả".
Đêm nhạc Just Rock bị hủy khiến nhiều fan nhạc rock tiếc nuối.
Trước đó Hà Trần giới thiệu concert gồm 2 đêm diễn. Đêm diễn đầu tiên tại TP.HCM vào tối 10/8, tại Nhà thi đấu Quân Khu 7 (4.000 ghế), sau đó được dời sang Nhà hát Hòa Bình (2.500 ghế).
Đêm diễn thứ hai tại Hà Nội vào tối 24/8, tại Cung điền kinh Mỹ Đình (hơn 3.000 ghế). Đại diện nhà sản xuất tiết lộ, gần tới ngày diễn, show mới chỉ bán được hơn 50% vé tại TP.HCM, dao động từ 1,2 - 4,8 triệu đồng/vé. Trong khi đó, đêm diễn ở Hà Nội không đổi được địa điểm nhỏ hơn.
Trước đó một tuần, show âm nhạc Just Rock tại TP.HCM dự kiến diễn ra vào ngày 20/7 cũng bị hủy bỏ do không bán được vé. Điều khiến khán giả tiếc nuối khi đây là sự kiện đánh dấu lần trở lại sân khấu đầu tiên sau 7 năm của Hải Bột - "huyền thoại" của làng Rock Việt, giọng ca chính của nhóm Quái Vật Tí Hon.
Theo dự tính của ban tổ chức, chương trình được tổ chức vào tháng 6 ở Phan Thiết (Bình Thuận). Dù giá vé bình dân là 600.000 đồng nhưng lượng tiêu thụ quá ít. Sự kiện đã được dời về TP.HCM vào tháng 7 song tình trạng không được cải thiện.
Ê-kíp của hai chương trình không tiết lộ về kinh phí hay con số thiệt hại, song rõ ràng số tiền họ đã bỏ ra là không hề nhỏ.
Trước đó một tháng, ca sĩ Phương Thanh cũng thông báo hủy show Đóa hồng gai ở Hạ Long – sự kiện trong chuỗi live concert kỷ niệm 17 năm ca hát. Nguyên nhân là khâu tổ chức "có vấn đề".
Hay mới đây, đạo diễn kỳ cựu Hữu Minh cũng chỉ quyết định làm một đêm nhạc Tự tình quê hương 6 kỷ niệm 30 năm ca hát cho Cẩm Ly, dù có không ít gợi ý hãy làm thêm đêm thứ hai, liên tục tại một địa điểm.
Không khác nào "chơi canh bạc"
Bầu show Quang Cường, quản lý của ca sĩ Quang Hà bày tỏ sự tiếc nuối khi một giọng ca xuất sắc như Hà Trần phải tuyên bố hoãn vô thời hạn sự kiện ý nghĩa trong sự nghiệp của mình. Tuy nhiên, anh không bất ngờ với kết quả này. Bởi, việc tổ chức, bán vé cho liveshow cá nhân trước nay vốn là bài toán khó, luôn biến động theo thị trường.
Ông bầu Quang Cường tiết lộ, hầu hết các liveshow cá nhân của Quang Hà đều không lỗ, thậm chí có lãi.
Nghệ sĩ tự đứng ra tổ chức liveshow đã khó, còn trao quyền tổ chức, sản xuất cho một đơn vị khác lại chẳng khác nào chơi một canh bạc.
"Để có một "thương hiệu" liveshow chất lượng, có thể bán vé thì nghệ sĩ phải đảm bảo được các yếu tố như: Chất lượng, tính chất và câu chuyện hấp dẫn… Nếu nghệ sĩ không trực tiếp chi tiền đầu tư sản xuất, mà bắt tay với một bên thứ ba đầu tư, vận hành show và khai thác thương mại, khi đó, vai trò của nghệ sĩ chỉ dừng lại ở khâu dàn dựng, biểu diễn.
Ngược lại, show diễn do nghệ sĩ đích thân tổ chức luôn đòi hỏi cao về chất lượng âm thanh, ánh sáng, nội dung. Đó là lý do từ trước đến nay, các liveshow cá nhân của Quang Hà đều do công ty trực tiếp đứng ra tổ chức, gọi tài trợ, sản xuất và bán vé", anh Quang Cường phân tích.
Thực tế đã chứng minh điều đó, khi những nghệ sĩ "đắt hàng" khi bán vé luôn bất chấp, kể cả việc thua lỗ để làm show cho riêng mình như: Tùng Dương, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm… Ngay như Phương Thanh, sau khi hủy show Đóa hồng gai ở Hạ Long vào ngày 22/6, cô và công ty tự đứng ra tổ chức show ở TP.HCM, dự kiến diễn ra vào tháng 9, thay vì giao toàn quyền cho một đơn vị tổ chức như trước đó.
Công thức liveshow "cháy vé" là gì?
Khi được hỏi về doanh thu các show diễn trước, quản lý của Quang Hà và Phương Thanh chia sẻ, cả hai ca sĩ đều không lỗ, thậm chí có lãi.
Phương Thanh trong concert Đóa hồng gai diễn ra ở Hà Nội hồi tháng 5 vừa qua.
Ông bầu Quang Cường không tiết lộ con số cụ thể nhưng theo anh, để thực hiện được một live show, tiền đầu tư có thể lên tới vài tỷ đồng và cả năm chuẩn bị. Vì vậy, nếu nghệ sĩ không kêu gọi được tài trợ, không đủ kinh nghiệm hoặc tên tuổi chưa đủ sức hút bán vé, doanh thu khó có thể bù được số tiền bỏ ra.
Tuy nhiên, anh Cường không thể đưa ra một công thức chung cho một liveshow "cháy vé". Nhất là trong bối cảnh hiện tại, kinh tế khó khăn, liveshow "lạm phát", khán giả có nhiều sự lựa chọn hơn, liveshow lại khó càng thêm khó.
"Mỗi khi tổ chức liveshow, việc đầu tiên chúng tôi phải xác định mục đích tổ chức, câu chuyện được truyền tải và chọn thời điểm phù hợp. Từ đó kêu gọi nhà tài trợ. Sau đó, ê kíp mới chuyển sang các khâu kỹ thuật khác. Khâu chuẩn bị này thường kéo dài cả năm trời.
Ví dụ như liveshow kỷ niệm 25 năm ca hát của Quang Hà dự kiến tổ chức vào năm 2025, chúng tôi đã phải bắt đầu chuẩn bị từ cách đây 3 tháng. May mắn, các show của Quang Hà đều kêu gọi được nhiều nhà tài trợ nhờ có mối quan hệ tốt, uy tín", anh Quang Cường cho hay.
Ở góc độ truyền thông, chuyên gia marketing Chang Trần cho rằng, trong thời đại công nghệ số, việc đo lường số lượng và "tệp" khán giả của nghệ sĩ cũng nên cẩn trọng. Đó là lý do có nhiều nghệ sĩ có bản hit triệu view, sở hữu tài khoản mạng xã hội hàng triệu người theo dõi nhưng không thể đứng vững trước sự khốc liệt của cuộc chơi liveshow.
"Hay những đêm nhạc được thông báo "cháy vé" khi vừa mở bán, nhưng sau đó lại xảy ra tình trạng "bán tháo" trên thị trường chợ đen. So với bán vé cứng, việc bán online cũng khiến nghệ sĩ gặp khó trong việc đo lường khán giả sẵn sàng bỏ tiền đến xem mình hát", bà Chang bày tỏ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận