Y tế

Không chủ quan, tăng nhiều ca sốt xuất huyết nặng

18/10/2022, 14:01

Hà Nội hiện tăng ca mắc sốt xuất huyết, đáng lưu ý nhiều ca diễn biến nặng, thậm chí chỉ số tiểu cầu về 0.

Ca sốc sốt xuất huyết hiếm gặp

Thông tin từ BVĐK Đống Đa (Hà Nội), đơn vị này vừa điều trị cho một trường hợp mắc sốt xuất huyết hiếm gặp khi có chỉ số tiểu cầu hạ về 0.

Bệnh nhân là ông N.Đ.T, (57 tuổi, ở huyện Thanh Oai, Hà Nội), trước khi vào viện một tuần, bệnh nhân thấy người gai rét, mệt nhiều, sốt 39 độ C. Sau hạ sốt, bất ngờ, ông T. đánh răng thấy máu tươi chảy ồ ạt. Ngay lập tức bệnh nhân được đưa tới cấp cứu tại bệnh viện huyện, xét nghiệm dương tính sốt xuất huyết Dengue, đặc biệt, tiểu cầu về mức 0 G/L nên được chuyển tuyến về BVĐK Đống Đa.

img

Gia tăng ca mắc sốt xuất huyết, đặc biệt nhiều ca diễn biến nặng khi nhập viện

Được biết, ông T. có nhiều bệnh nền, khi vào viện, bệnh nhân mệt mỏi nhiều, chảy máu chân răng, chảy máu tại các khối u sùi chân (biến chứng của bệnh gout) và chỉ số tiểu cầu là 2 G/L.

Sau gần 7 ngày điều trị, chỉ số tiểu cầu của bệnh nhân tăng lên 146 G/L, đạt mức bình thường, sức khoẻ ổn định, được ra viện.

Theo các bác sĩ điều trị, sốt xuất huyết có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó có giảm tiểu cầu, thường xảy ra từ ngày thứ 4-7 của bệnh (giai đoạn nguy hiểm). Đáng nói, năm nay, nhiều bệnh nhân hạ tiểu cầu xuống chỉ còn 3- 5 G/L.

Tiếp tục gia tăng ca mắc sốt xuất huyết

Trao đổi với Báo Giao thông, BS. BS. Đinh Thế Tiến, khoa Nội tổng hợp thuộc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết: “Khoảng 1 tháng trở lại đây, ngoài các bệnh nhân mắc cúm đến khám và điều trị tại bệnh viện thì số ca mắc sốt xuất huyết và Covid-19 tăng nhanh.

Đáng lưu ý với sốt xuất huyết, không chỉ số ca tăng mà nhiều ca diễn biến bệnh nặng bất thường, có dấu hiệu cảnh báo và sốc sốt xuất huyết. Với sốt xuất huyết cơ bản cần theo dõi sát và truyền đủ dịch, nắm rõ giai đoạn của bệnh.

Hiện tại bệnh viện đang quá tải với khoảng hơn 150 bệnh nhân điều trị nội trú.

“Số ca tăng từ 1 tháng nay, các bác sĩ làm việc gấp đôi công suất. Hầu hết các khoa trong viện phải dành giường cho điều trị sốt xuất huyết vì khoa chính điều trị sốt xuất huyết quá tải từ lâu rồi”, BS. Tiến cho biết.

Hầu hết lượng bệnh nhân sốt xuất huyết tới khám được cho về nhà theo dõi và điều trị ngoại trú, chỉ khoảng 10% bệnh nhân sốt xuất huyết với dấu hiệu trở nặng được cho nhập viện.

Theo số liệu báo cáo mới nhất của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong tuần qua, cả nước ghi nhận 9.750 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 1 trường hợp tử vong tại tỉnh Bình Dương.

Từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận 258.480 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 4,8 lần so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 102 trường hợp tử vong (tăng 81 trường hợp tử vong so với năm 2021).

Riêng tại Hà Nội, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, trong tuần qua có thêm 1.034 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã. Bệnh nhân chủ yếu ở một số quận, huyện như: Đan Phượng (137 ca), Thường Tín (78 ca), Thanh Oai (70 ca), Nam Từ Liêm (61 ca).

Cộng dồn từ đầu năm 2022 cho đến nay, Hà Nội ghi nhận 6.779 mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 5 trường hợp tử vong. CDC Hà Nội dự báo, trong thời gian tới, số ca mắc sốt xuất huyết vẫn ở mức cao do đang là cao điểm mùa dịch diễn ra từ tháng 7 đến tháng 11 hằng năm.

Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy đa tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.

Đáng chú ý, bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Bắt đầu từ ngày thứ 4, bệnh có dấu hiệu nguy hiểm. Vì thế, trong những ngày đầu, người mắc sốt xuất huyết có thể ở nhà, uống thuốc hạ sốt, bù dịch hoặc đi khám để được bác sĩ cho đơn và hẹn tái khám.

Người dân tuyệt đối không uống acid acetylsalicylic (aspirin), mefenemic acid (ponstan), ibuprofen... không cần thiết uống kháng sinh, không truyền dịch khi không có chỉ định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.