Ngày 8/7, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Hoàng Hải Bình - Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình giao thông, Sở GTVT Hưng Yên cho biết: Hiện nay, tuyến đường bộ cao tốc nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã hoàn thành.
Tuyến hiện chỉ cho phép ô tô lưu thông, cho phép các phương tiện lưu thông trên tuyến như đối với các tuyến quốc lộ có hệ thống dải phân cách cứng, được quy định tại Thông tư 91 năm 2015 của Bộ GTVT.
Cụ thể, xe ô tô con, xe chở người đến 30 chỗ (trừ xe buýt); xe tải có trọng tải đến 3,5 tấn được lưu thông với tốc độ tối đa 90km/h, xe khách trên 30 chỗ và xe tải trên 3,5 tấn được lưu thông với tốc độ 80 km/h.
Xe buýt, xe đầu kéo kéo sơ-mi rơ-moóc; ô tô chuyên dùng được đi tốc độ tối đa là 70km/h và ô tô kéo rơ-moóc; ô tô kéo xe khác là 60km/h.
Riêng với khu vực có biển báo đông dân cư ô tô được lưu thông với tốc độ tối đa là 60km/h. Ngoài ra các phương tiện phải tuân thủ biển báo, biển chỉ dẫn ở trên tuyến, nơi các nút giao cắt và tín hiệu điều khiển giao thông.
“Đối với hệ thống đường bên, đây là hệ thống đường gom, nên cho ô tô, xe máy, xe thô sơ lưu thông hỗn hợp, hai chiều.
Hiện nay, do đang trong giai đoạn hoàn thiện, nhất là những vị trí cầu vượt nút giao ĐH60, ĐH72 và ĐH384, nên các phương tiện vẫn phải lưu thông với tốc độ tối đa là 60km/h.
Khi đường hoàn thành (dự kiến tháng 8/2024), biển giới hạn tốc độ 60km/h sẽ được dỡ bỏ, các phương tiện sẽ được lưu thông với tốc độ tối đa 80/km theo quy định tại Thông tư 91. Riêng đoạn qua khu vực đông dân cư, tốc độ tối đa là 50km/h”, ông Bình thông tin.
Lãnh đạo Đội tuyên truyền Phòng CSGT Công an tỉnh Hưng Yên khuyến cáo: Tuyến đường nối 2 cao tốc đã được bố trí đầy đủ biển chỉ dẫn, biển báo, đèn tín hiệu giao thông nên các phương tiện phải tuân thủ các quy định luật giao thông đường bộ, tuân thủ biển báo, biển chỉ dẫn và hướng dẫn của lực lượng tuần tra kiểm soát trên tuyến.
Hiện nay, tuyến cho phép lưu thông tốc độ tối đa 90km/h, tuy nhiên vẫn còn vị trí nút giao, đoạn hơn 2km đầu cầu Hưng Hà đang giới hạn tốc độ 60km/h do qua khu vực đông dân cư.
Đối với tuyến đường bên, do phương tiện lưu thông hỗn hợp, lại có nhiều đường nhánh, nhà dân sinh sống buôn bán ở bên đường nên các phương tiện lưu thông trên tuyến phải tăng cường chú ý quan sát, giữ khoảng cách an toàn với phương tiện phía trước.
Ngoài ra, khi lưu thông vào ban đêm, lúc rạng sáng không nên đi quá nhanh, chú ý quan sát ở bên đường thường có người dân đi làm đồng, cấy gặt, buôn bán mang đồ cồng kềnh dễ xảy ra va quệt khi tối trời”.
Trước đó, vào sáng ngày 7/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo bộ ngành và tỉnh Hưng Yên đã tổ chức cắt băng khánh thành Dự án xây dựng đường nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn 2) qua địa phận tỉnh Hưng Yên.
Tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có chiều dài có tổng chiều dài 41,5 km.
Điểm đầu tiếp nối với nút giao liên thông giữa QL39 với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (Km20+250 thuộc dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng), tại xã Lý Thường Kiệt, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
Điểm cuối nút giao Liêm Tuyền, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Trong đó, tuyến đường qua địa bàn Hưng Yên có chiều dài là 23,83km.
Dự án được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 dự án đã được đầu tư bằng nguồn vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, khởi công xây dựng vào tháng 8/2011, hoàn thành vào năm 2019 với tổng mức đầu tư là 1.077 tỷ đồng.
Giai đoạn 2 nâng cấp mở rộng mặt đường từ 12m lên 24m sử dụng nguồn vốn trung hạn 2021-20215 của trung ương, được khởi công tháng 11/2021 và hoàn thành vào tháng 10/2023 với tổng mức đầu tư là 702 tỷ đồng (vượt tiến độ 8 tháng).
Ngoài ra, để tăng cường kết nối, tạo động lực cho các khu công nghiệp đang hình thành dọc hai bên tuyến đường, tỉnh Hưng Yên còn đầu tư thêm hệ thống đường bên với chiều dài 20,3km mỗi bên.
Tổng mức đầu tư dự án đường bên là 1.414 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 600 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 814 tỷ đồng. Khởi công tháng 1/2022, thời gian thi công 960 ngày, đến nay đã cơ bản hoàn thành tuyến chính, đảm bảo đủ điều kiện thông xe kỹ thuật.
Như vậy, tổng giá trị các dự án lên đến 3.193 tỷ đồng. Các dự án đều do Sở GTVT tỉnh Hưng Yên làm đại diện chủ đầu tư, đơn vị trúng thầu thi công là Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận