Xã hội

Lắp camera trên xe vận tải: 2 ngày nữa là phạt, nhiều chủ xe vẫn lặng thinh

Chỉ còn 2 ngày nữa là đến hạn xử phạt xe kinh doanh vận tải không lắp camera giám sát, tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều xe chưa thực hiện.

Nhiều địa phương mới đạt 25-40%

Theo báo cáo của Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh, đến thời điểm hiện tại, địa phương này mới lắp đặt camera giám sát cho trên 600 xe kinh doanh vận tải, bằng khoảng 25%/tổng số xe thuộc đối tượng phải lắp (2.375 xe), bằng gần 40%/ tổng số xe đang hoạt động (1.501 xe).

Theo lý giải của lãnh đạo Phòng Quản lý phương tiện. Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh, sở dĩ, số phương tiện lắp camera của địa phương này đạt thấp là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh vận tải gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vận tải hành khách.

img

Lắp camera giám sát trên xe khách ở Quảng Ninh (ảnh: Quang Minh)

Cụ thể, do phải tạm dừng hoạt động từ đầu năm đến tháng 10 do thực hiện giãn cách xã hội, đến nay, vẫn có trên 53% phương tiện vận tải khách ở Quảng Ninh phải tạm dừng hoạt động hoặc không có khách. Đa số các đơn vị vận tải khách rất khó khăn về tài chính, nên mới ưu tiên lắp cho những xe đang hoạt động, vì vậy tỷ lệ thực hiện còn thấp.

Anh Đặng Tất Đạt - chủ một phương tiện vận tải hành khách liên huyện ở Quảng Ninh cho hay: Đối với những phương tiện đang tạm dừng hoạt động mà lắp đặt camera ngay sẽ gây lãng phí, do phải trả tiền thuê bao đường truyền, máy chủ. Chi phí lắp đặt camera và thuê bao dịch vụ 4G trên mỗi phương tiện còn cao (bình quân từ 8 - 10 triệu đồng/xe). Do vậy, doanh nghiệp mới chỉ lắp camera đối với phương tiện đang hoạt động.

“Các chủ xe đều mong muốn, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, chủ phương tiện thì cơ quan chức năng nên xem xét việc xử phạt theo quy định ở giai đoạn đầu”, anh Đạt đề xuất.

Đến thời điểm này tỉnh Thái Bình mới chỉ có 442 xe vận tải đã lắp đặt camera giám sát trong tổng số 1.889 xe thuộc diện bắt buộc lắp đặt theo quy định. 442 xe đã lắp đặt hầu hết là các xe đang hoạt động.

Sở GTVT tỉnh Thái Bình cho biết, nguyên nhân nhiều đơn vị vận tải, chủ xe không “mặn mà” trong việc lắp đặt camera chủ yếu là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Những thời điểm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16, hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô ngưng trệ và gần như “đóng băng” hoàn toàn. Tuyến vận tải khách vốn là chủ đạo của tỉnh Thái Bình như Thái Bình - Hà Nội, Thái Bình - Quảng Ninh và ngược lại cũng rất ít khách, thậm chí có thời điểm không có khách khiến nhiều doanh nghiệp phải bỏ tuyến.

Là địa phương có tỷ lệ xe lắp camera cao, nhưng theo thống kê của Sở GTVT tỉnh Nam Định, đến thời điểm nay, trên địa bàn mới có 660 xe lắp camera giám sát trong tổng số 1.267 phương tiện kinh doanh vận tải phải lắp camera theo quy định.

Theo ông Trần Trung Hiếu, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT tỉnh Nam Định, trong số 607 phương tiện chưa lắp camera, thì có 585 phương tiện xe khách hiện không hoạt động do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Ông Hiếu cho biết, dịch Covid-19 tác động mạnh đến doanh nghiệp vận tải, đặc biệt là vận tải khách. Ngay cả những xe khách đã chấp hành lắp camera, nhưng hiện vẫn phải nằm bãi, không hoạt động vì không có khách.

Tại Hải Dương, ông Lê Quý Tiệp, Giám đốc Sở GTVT cho biết, hiện qua kiểm tra, khoảng 40% xe thuộc diện phải lắp camera giám sát đã hoàn tất việc lắp. Hiện ngành chức năng địa phương đang phối hợp đôn đốc và các doanh nghiệp cam kết đến ngày 1/1/2022 sẽ lắp camera cho 100% số xe.

Phạt đến 12 triệu đồng đối với ô tô kinh doanh vận tải không lắp camera

Nghị định 100/2019 quy định, trước ngày 1/7/2021, ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên và xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình tham gia giao thông.

Tuy nhiên, đến ngày 1/7, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, Chính phủ quyết định lùi xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức chưa lắp camera giám sát trên xe tải, xe khách quy định tại Nghị định 100/2019 đến hết ngày 31/12.

Nghị định này cũng quy định rõ: Mức phạt tiền từ 5 - 6 triệu đồng với cá nhân, từ 10 - 12 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải sử dụng ô tô kinh doanh vận tải không lắp camera theo quy định (đối với loại xe có quy định phải lắp camera) hoặc có lắp camera nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh trên xe, tài xế trong quá trình tham gia giao thông theo quy định.

Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, bị tước quyền sử dụng phù hiệu (biển hiệu) từ 1 - 3 tháng đối với xe vi phạm.

Theo lãnh đạo Phòng Quản lý phương tiện, Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh thì từ ngày 1/1/2022, vẫn sẽ kiểm tra, xử lý nghiêm các xe vi phạm. Hiện Sở GTVT Quảng Ninh đã giao cho cho Thanh tra Sở chủ trì xây dựng kế hoạch kiểm tra, xử lý đối với những phương tiện, đơn vị vi phạm về điều kiện lắp camera thực hiện từ 1/1/2022 theo quy định.

Ông Trần Trung Hiếu, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT tỉnh Nam Định cũng cho biết, Sở GTVT đã có kế hoạch kiểm tra, xử lý các xe kinh doanh vận tải không lắp camera đúng thời hạn quy định.

Ông Lê Quý Tiệp, Giám đốc Sở GTVT cũng cho biết, Sở GTVT đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với Phòng CSGT sau ngày 1/1/2022 sẽ tiến hành kiểm tra, nhắc nhở, xử lý đối với các chủ xe, doanh nghiệp cố tình vi phạm quy định lắp camera.

Trên 90% xe kinh doanh vận tải ở Hải Phòng đã lắp camera

Theo lãnh đạo Sở GTVT Hải Phòng, toàn thành phố có 16.758 xe ô tô kinh doanh vận tải (được cấp phù hiệu) thuộc diện phải lắp camera hành trình. Trong đó, nhiều nhất là xe container với 13.500 xe và ít nhất là xe du lịch (trên 9 chỗ ngồi) với 18 xe.

Tính đến hết ngày 28/12/2021, số xe đang hoạt động thực tế hoàn thành lắp camera hành trình đạt trên 90%. Trong đó, các xe buýt, xe tuyến cố định đã hoàn thành lắp đặt 100%.

Qua khảo sát trong tổng số 16.758 xe ô tô kinh doanh vận tải được Sở GTVT Hải Phòng cấp phù hiệu chỉ có 11.183 xe đang hoạt động trên thực tế, hơn 5.600 xe tuy được cấp phù hiệu nhưng không hoạt động. Trong đó, số xe container tại Hải Phòng được cấp phù hiệu là 13.500 xe, nhưng thực tế hoạt động là 10.000 xe, trong số này có trên 9.000 xe đã hoàn thành việc lắp camera.

Xe hợp đồng có 2.558 chiếc, hiệnchỉ còn 700 xe đang hoạt động và gần 100% số xe này được lắp camera giám sát. Đối với xe khách tuyến cố định, trong tổng số 515 chiếc thuộc 42 doanh nghiệp vận tải, chỉ có 300 xe đang hoạt động và số được lắp camera đạt 100% xe.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.