Thế giới giao thông

Nhật “trải thảm” thu hút lái xe người nước ngoài

25/02/2024, 09:00

Để thu hút lái xe là người nước ngoài tới làm việc, Nhật Bản đang xem xét nhiều chính sách, từ việc cấp thị thực ưu tiên cho tới đào tạo.

Nguy cơ kinh tế trì trệ vì thiếu tài xế

Đầu năm nay, cụm từ "thiếu trầm trọng lái xe" liên tục xuất hiện trên báo chí Nhật Bản và được nhấn mạnh là vấn đề của năm 2024 ở xứ sở hoa anh đào.

Nhật “trải thảm” thu hút lái xe người nước ngoài- Ảnh 1.

Một xe buýt tự lái chạy thử tại tỉnh Aichi hồi tháng 10/2023.

Tất cả xuất phát từ việc chính phủ Nhật Bản đã thông qua một quy định hạn chế tài xế lái xe tải làm quá 960 giờ/năm (tương đương 80 giờ/tháng). Quy định sẽ có hiệu lực từ tháng 4/2024 và trở thành nỗi đau đầu của cánh lái xe, các chủ vận tải và cả các nhà quản lý.

Quy định hạn chế làm thêm giờ được đưa ra nhằm nâng cao an toàn. Nhưng vì Nhật Bản đang thiếu trầm trọng nhân lực do già hóa dân số nên không đủ lượng tài xế để bù đắp vào khoảng thời gian mà các lái xe phải nghỉ.

Theo Hiệp hội Vận tải đường bộ Nhật Bản, hiện lượng tài xế ở độ tuổi trên 60 chiếm gần 1/5, còn số lượng dưới 30 tuổi chỉ khoảng dưới 1/10.

Chủ tịch công ty vận tải Fujikura Transport (trụ sở tại Tokyo) – ông Yasunori Fujikura cho biết: "Nếu quay về những năm 1980, công ty vận tải của chúng tôi tràn ngập những người trẻ tuổi, tất cả đều rất năng động. Giờ đây, cứ 16 người thì chỉ có một lái xe của công ty ở độ tuổi 30 và 40. Số còn lại hầu hết ở độ tuổi 50 và 60".

Công ty Dịch vụ đầu tư bất động sản toàn cầu CBRE đánh giá: "Điều mà nền kinh tế Nhật Bản lo ngại nhất liên quan tới vấn đề này chính là nguy cơ hệ thống vận tải đường bộ có thể bị suy yếu nghiêm trọng. Từ đó dẫn tới nhiều hệ lụy lớn hơn, tác động xấu tới hoạt động của doanh nghiệp và cuộc sống của người dân".

Hiện nay, nền kinh tế lớn thứ tư thế giới phụ thuộc rất lớn vào vận tải bằng đường bộ (chiếm gần 9/10 tổng lượng vận tải hàng).

Do đó, ngành công nghiệp vận tải đường bộ và chính phủ phải tìm mọi cách để duy trì hoạt động của các nhà máy, bệnh viện và cửa hàng tiện lợi khắp nơi trên cả nước, trong khi phần lớn trong số đó hoạt động 24/7.

Mở cửa hút lao động nước ngoài

Nhật Bản đang tìm nhiều phương án từ nâng giới hạn tốc độ xe tải cho đến xây dựng làn đường cao tốc dành riêng cho phương tiện tự lái, nâng hạng cho khách hàng chấp nhận thời gian giao hàng lâu hơn…

Nhật “trải thảm” thu hút lái xe người nước ngoài- Ảnh 2.

Xe tải xếp hàng dài tại Osaka.

Một trong những phương án mà chính phủ Nhật đang thực hiện, thu hút sự chú ý của không chỉ người dân trong nước mà cả nước ngoài bao gồm Việt Nam, đó là nới lỏng chính sách thị thực để hút thêm nhân lực lái xe là người nước ngoài.

Nhật đang lên kế hoạch bổ sung 4 lĩnh vực mới vào danh sách cấp thị thực "kỹ năng đặc định" cấp 1 để thu hút lao động có tay nghề. Đây sẽ là đợt bổ sung đầu tiên vào chương trình "kỹ năng đặc định" ra mắt năm 2019 và đến nay đang có 12 lĩnh vực.

Một trong bốn lĩnh vực được bổ sung chính là vận tải đường bộ; ngoài ra còn có đường sắt, lâm nghiệp và gỗ, dự kiến sẽ thu hút thêm hàng chục nghìn lao động nước ngoài.

Danh mục vận tải đường bộ sẽ bao gồm nhân viên điều hành dịch vụ xe buýt, taxi, tài xế xe tải, trong khi đường sắt bao gồm nhân viên soát vé, nhân viên nhà ga và bảo trì thiết bị.

Trong bối cảnh thiếu hụt nhân lực, Nội các Nhật Bản đặt mục tiêu đưa ra quyết định trước khi năm tài chính hiện tại kết thúc vào tháng 3/2024.

Việc bổ sung vận tải đường bộ vào chương trình "kỹ năng đặc định" sẽ cho phép các công ty tiếp nhận tài xế làm việc trong các dịch vụ đặt xe. Các dịch vụ này đang hoạt động ở một số thời điểm và khu vực nhất định thiếu taxi.

Tính đến cuối tháng 11/2023, Nhật Bản có 201.307 lao động có thị thực "kỹ năng đặc định" cấp 1 (có thời hạn 5 năm) và 29 người có thị thực cấp 2 (có thể cư trú vô thời hạn). Khi chương trình ra mắt, chính phủ đã đặt giới hạn tiếp nhận 345.000 người có tư cách lưu trú theo diện này tính đến mùa xuân 2024.

Để thu hút lao động nước ngoài, Bộ Tư pháp và các tổ chức khác đã xem xét lại khuôn khổ cấp thị thực. Để có thể làm việc, người nước ngoài có thị thực kỹ năng đặc định cấp 1 phải vượt qua bài kiểm tra trình độ chuyên môn và tiếng Nhật. Nếu được chứng nhận "kỹ năng đặc định" cấp 2, người lao động có thể cư trú lâu dài và mang theo gia đình tới Nhật Bản.

Trong đó, để làm lái xe buýt và taxi, người nước ngoài cũng cần có bằng lái loại 2. Các bài thi sát hạch đều bằng tiếng Nhật và đây là rào cản rất lớn với người nước ngoài.

Nhiều tờ báo của Nhật Bản như Mainichi cho rằng, để thu hút thêm nhiều lao động nước ngoài trong lĩnh vực vận tải cần cân nhắc cách hỗ trợ họ vượt qua rào cản ngôn ngữ. Một số ý kiến đề nghị nên thiết lập hệ thống đào tạo dành riêng cho người nước ngoài.

Hiện nay, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản đang xây dựng các bài kiểm tra kỹ năng dành cho người lái xe phù hợp với loại hình kinh doanh, đồng thời sẽ cung cấp bằng lái xe thương mại tại Nhật bằng 20 ngôn ngữ.

Nhiều tỉnh mở lòng hơn với xe tự lái

Một giải pháp khác đang được Nhật Bản cân nhắc đó là tăng cường ứng dụng xe tự lái.

Cuộc khảo sát do báo Kyodo News thực hiện hồi đầu năm nay cho thấy, 32 trong số 47 tỉnh của Nhật Bản, tương đương 68%, đang xem xét việc giới thiệu xe buýt tự lái Cấp độ 4 – phương tiện hoàn toàn tự động trong những điều kiện nhất định.

Theo Viện nghiên cứu Nomura, việc hạn chế thời gian lái xe ngoài giờ sẽ kéo giảm hơn 1/3 công suất vận chuyển hàng hóa tại Nhật Bản tính đến năm 2030, trong khi đó cùng thời điểm số lượng tài xế sẽ giảm 35% so với năm 2015.

Kết quả này phản ánh kỳ vọng ngày càng tăng của Nhật Bản với công nghệ mới, coi đây như "phao cứu sinh" để giải quyết tình trạng thiếu lái xe ngày càng trầm trọng.

Trong số 32 tỉnh có quan điểm tích cực về việc sử dụng xe buýt cấp 4, Fukui và Fukuoka cho biết, họ thực chất đã có nhiều hành động để hiện thực hóa việc ứng dụng phương tiện giao thông công cộng tự lái. Ngoài ra 30 tỉnh đang xem xét kế hoạch.

Mặc dù kỳ vọng ứng dụng xe buýt tự lái trên đường phố rất cao nhưng đâu đó vẫn còn những lo ngại về an toàn. Trong cuộc khảo sát, nhiều tỉnh nhấn mạnh điều cần lưu tâm nhất là phải đảm bảo an toàn.

Dịch vụ vận chuyển xe buýt tự hành cấp 4 đã bắt đầu hoạt động ở Eiheiji, tỉnh Fukui vào tháng 5 năm ngoái. Tuy nhiên, một vụ va chạm nhỏ với một chiếc xe đạp hồi tháng 10 đã khiến dịch vụ này phải tạm dừng.

Ví dụ khác, tại Fukuoka, phía tây nam Nhật Bản, tháng 11/2023, một chiếc xe buýt tự lái cấp độ 2 trong quá trình chạy thử đã va chạm nhẹ với một chiếc taxi, rất may không ai bị thương.

Cũng có những trường hợp thử nghiệm, camera cảm biến gắn trên ô tô xác định mưa và tuyết là chướng ngại vật và tự động buộc phương tiện phải dừng lại.

Tâm lý chấp nhận của người dân với loại xe này cũng là một thách thức khác. Trong một cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu MM đối với 3.000 người Nhật Bản, có 40% người được hỏi lo lắng về an toàn phương tiện không người lái.

Ông Takashi Hikasa, một chuyên gia về xe tự lái, giảng viên tại Đại học Tama cho biết, nhận thức và sự hợp tác của người dân là yếu tố rất quan trọng để giới thiệu xe buýt tự lái.

"Với ô tô tự lái, chúng ta có thể hy vọng số vụ tai nạn do lỗi của con người gây ra sẽ giảm. Nhưng cũng có lo ngại phương tiện có thể mắc phải những sai lầm cơ bản mà bản thân con người rất ít khi vấp phải", ông Hikasa nhận định.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.