Đường bộ

Những dự án “rùa bò” làm khổ dân ở Hải Phòng

28/02/2024, 14:00

Những năm gần đây, Hải Phòng có bước phát triển nhanh, bền vững nhờ những đột phá về phát triển hạ tầng giao thông, bộ mặt đô thị dần từng bước hiện đại.

Tuy nhiên, hiện thành phố đang còn khá nhiều dự án treo, công trình giao thông chậm tiến độ. Những dự án này nếu không sớm được tháo gỡ sẽ kìm hãm sự phát triển của Hải Phòng và làm khổ người dân…

Kỳ 1: Nhiều hệ lụy từ dự án BOT đường ven biển chậm tiến độ

Dự án đường bộ ven biển (hợp phần BOT) qua địa bàn Hải Phòng chậm tiến độ nhiều năm khiến hợp phần thi công mở rộng tuyến đường do TP Hải Phòng triển khai cũng bị chậm theo, gây nên nhiều hệ lụy.

"Tuy hai mà một": Dự án này kéo lùi dự án kia

Những ngày cuối tháng 2/2024, PV Báo Giao thông tìm hiểu thực tế tại công trường thi công tuyến đường bộ ven biển qua địa bàn TP Hải Phòng ghi nhận, trên cùng một tuyến đường, có nhiều đoạn 1/2 mặt cắt ngang đường đã cơ bản hoàn thành, trong khi đó 1/2 mặt đường còn lại vẫn ngổn ngang bùn đất.

Những dự án “rùa bò” làm khổ dân ở Hải Phòng- Ảnh 1.

Công nhân hàn rào chắn để ngăn người dân đi vào tuyến đường ven biển.

Phần khó nhất của tuyến đường là những cây cầu vượt sông đã hoàn thành từ lâu, nhưng đành rào lại chờ hợp phần công trình làm đường. Có những khu vực, công nhân hối hả thi công 1/2 mặt đường, nhưng ở 1/2 mặt đường còn lại không một bóng người làm, vật tư, máy móc nằm "đắp chiếu".

Dự án đường bộ ven biển đoạn từ Hải Phòng nối tới tỉnh Thái Bình là một trong những dự án khá đặc biệt bởi trên cùng tuyến đường hiện đồng thời triển khai hai dự án.

Thứ nhất là dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn TP Hải Phòng và 9km trên địa bàn tỉnh Thái Bình được UBND TP Hải Phòng phê duyệt năm 2016, sau đó được điều chỉnh hai lần vào các năm 2017 và 2018.

Dự án có tổng chiều dài 29,7km, điểm đầu từ nút giao tỉnh lộ 353 (quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng) và điểm cuối là quốc lộ 37 mới nối với dự án đường bộ ven biển qua địa bàn tỉnh Thái Bình (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình).

Tổng mức đầu tư dự án hơn 3.768 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước là 720 tỷ đồng phục vụ GPMB trên địa bàn TP Hải Phòng. Phần vốn đầu tư xây dựng hơn 3.000 tỷ đồng do nhà đầu tư đảm nhiệm.

Liên danh nhà đầu tư đã thành lập doanh nghiệp dự án là Công ty CP Đầu tư đường ven biển Hải Phòng để thực hiện dự án này. Tháng 6/2018, UBND TP Hải Phòng đã ký hợp đồng BOT dự án.

Thứ hai là dự án mở rộng tuyến đường ven biển này. Bởi cùng với đường bộ ven biển đầu tư theo hình thức BOT, từ năm 2020, nhận thấy tuyến đường có mặt cắt ngang nhỏ (12m), TP Hải Phòng đã phê duyệt dự án đầu tư mở rộng.

Theo đó, TP Hải Phòng đầu tư 946 tỷ đồng từ vốn ngân sách để mở rộng thêm 12m mặt cắt đường (đoạn từ tỉnh lộ 353 đến cầu Thái Bình).

Sau khi cả hai dự án hoàn thành, hơn 19km đường ven biển trên địa phận TP Hải Phòng sẽ là tuyến đường đôi mặt cắt hơn 24m (trong đó 12m thuộc dự án BOT, 12m thuộc dự án mở rộng).

Như vậy, dự án BOT và dự án mở rộng đường ven biển "tuy hai mà một" vì cùng làm trên một tuyến đường, nhưng hai hợp phần riêng biệt.

Dù được quyết định thi công sau, nhưng dự án do Ban QLDA các công trình giao thông Hải Phòng làm chủ đầu tư lại có tiến độ rất nhanh. Còn tại nhiều khu vực dự án BOT chưa triển khai nên hợp phần mở rộng đành phải chờ.

Đại diện nhà thầu dự án mở rộng tuyến đường chia sẻ: "Ngay sau khi trúng gói thầu dự án mở rộng tuyến đường, chúng tôi đã gấp rút thi công với quyết tâm trong một năm sẽ hoàn thành.

Tuy nhiên, hai năm nay thi công cầm chừng, nếu dự án BOT không chậm tiến độ, chúng tôi đã hoàn thành dự án mở rộng từ lâu".

Nguy cơ tai nạn do dự án chậm

Đặng Tú Thanh (SN 2009, quê ở quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng) là một ca nương nhí nổi tiếng. Khoảng 10h ngày 1/7/2023, em cùng chị gái đi xe máy đường ven biển Hải Phòng - Thái Bình thì xảy ra va chạm với một xe ô tô. Tú Thanh tử vong tại chỗ, chị gái bị thương nặng.

Những dự án “rùa bò” làm khổ dân ở Hải Phòng- Ảnh 2.

Dự án đường ven biển qua Hải Phòng vẫn còn dang dở.

Theo lãnh đạo Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng, đoạn đường xảy ra tai nạn mới làm xong lớp nhựa mặt đường và chưa cho phép phương tiện lưu thông.

Dù chủ đầu tư và nhà thầu thi công đã cảnh báo, nhưng do có nhiều lối mở dân sinh cắt ngang, khó kiểm soát nên tình trạng người dân đi vào vẫn diễn ra thường xuyên.

Trước đó, trên đoạn đường này, một vụ tai nạn thương tâm khác khiến ông Cao Xuân Khiển (SN 1969, ở phường Hợp Đức, quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng) bị chấn thương sọ não, tổn thương tới 99% sức khỏe.

Trên đây chỉ là 2 trong số nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra trên tuyến đường bộ ven biển qua địa bàn Hải Phòng.

Theo lãnh đạo của UBND xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy (TP Hải Phòng), tuyến đường bộ ven biển đi qua địa phận xã dài khoảng 1km, thời gian thi công quá dài khiến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân bị ảnh hưởng rất nhiều.

Chờ giải quyết vướng mắc

Theo tìm hiểu, việc dự án BOT chậm tiến độ là do vướng mắc về vốn. Ban đầu dự án dự kiến thông xe vào cuối năm 2020.

Lúc đầu VietinBank dự kiến cho vay để thực hiện dự án nhưng trong các năm 2018, 2019, nguồn vay vốn BOT bị siết chặt nên ngân hàng từ chối. Không những vậy, 2 nhà đầu tư lại xin rút khỏi liên danh khiến công ty phải cơ cấu lại.

Dự án đang gặp khó vì chưa được điều chỉnh lãi suất vốn vay, kế hoạch thông xe vào cuối năm 2023 chắc chắn sẽ không thể đạt.

Chủ đầu tư hiện đang phải đang xin tạm ngưng dự án để chờ điều chỉnh lãi suất vốn vay. Dự án đội chi phí, đứng trước nguy cơ thua lỗ, không thu hồi được vốn nên ngân hàng không tiếp tục giải ngân.

Trước tình trạng dự án đường bộ ven biển nằm "đắp chiếu" suốt nhiều năm qua, một phương án được đưa ra là TP Hải Phòng mua lại dự án nhưng cũng không khả thi bởi ngoài việc bố trí vốn thì quy trình thủ tục không hề đơn giản, phải mất 2 - 3 năm mới xong.

Ông Đỗ Tuấn Anh - Giám đốc Ban QLDA các công trình giao thông Hải Phòng cho biết: "Thời gian qua, dự án BOT đường bộ ven biển tại Hải Phòng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án mở rộng nền đường.

Chính sách tín dụng bị siết chặt khiến nhà đầu tư gặp khó tiếp cận nguồn vốn vay. Ngoài ra, mức lãi suất vốn vay thực tế mà nhà đầu tư phải trả khoảng 10 - 11% so với lãi suất tính theo hợp đồng BOT (từ 5 - 6%).

Đến nay, tiến độ dự án đã đạt 70% khối lượng. Mặc dù UBND TP Hải Phòng đã cùng nhà đầu tư từng bước tháo gỡ nhưng có những nội dung TP không đủ thẩm quyền giải quyết, cần xin ý kiến cấp thẩm quyền".

Theo ông Nguyễn Đức Thọ, Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng, từ cuối năm 2022, TP đã có văn bản đề nghị cấp thẩm quyền cho phép điều chỉnh dự án, điều chỉnh lãi suất vốn vay và cho phép xác định mức lãi suất vốn vay cho dự án.

Ngày 12/6/2023, đoàn công tác của TP Hải Phòng đã làm việc với Bộ Tài chính và Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị UBND TP Hải Phòng có văn bản báo cáo cấp thẩm quyền cho phép TP được quyết định điều chỉnh dự án để áp dụng phương pháp tính lãi suất theo quy định hiện hành.

Ngày 8/11/2023, lãnh đạo TP đã làm việc lần 2 với Bộ trưởng Bộ Tài chính. Đến thời điểm này, TP Hải Phòng đang chờ cấp thẩm quyền xem xét giải quyết để dự án sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển kỳ vọng sẽ kết nối được giao thông hành lang ven biển Bắc Bộ, góp phần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội vùng Duyên hải Bắc Bộ.

Tuyến đường trên khi đi vào hoạt động cũng sẽ giảm tải đáng kể cho quốc lộ 10 vốn đang quá tải, thường xuyên ùn tắc cục bộ và xảy ra tai nạn giao thông.

Những dự án “rùa bò” làm khổ dân: Chỉ rõ trách nhiệm, không 'dĩ hoà vi quý'Những dự án “rùa bò” làm khổ dân: Chỉ rõ trách nhiệm, không "dĩ hoà vi quý"

Những dự án chậm tiến độ tại TP.HCM sẽ được chỉ rõ địa chỉ, trách nhiệm từng đơn vị, cá nhân, sẽ không còn chuyện "dĩ hoà vi quý" như trước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.