Thời sự Quốc tế

Quan chức Mỹ: Nga kiếm lời từ dầu mỏ còn nhiều hơn cả trước chiến sự

Quan chức Mỹ nhận định Nga đang thu lợi lớn hơn từ dầu mỏ, khí đốt so với trước khi chiến sự tại Ukraine nổ ra.

Doanh thu dầu mỏ, khí đốt của Nga tăng sau khi chiến sự Ukraine nổ ra

Phát biểu tại Tiểu ban Thượng viện về Hợp tác An ninh châu Âu và Khu vực ngày 9/6, Đặc phái viên về an ninh năng lượng của Mỹ Amos Hochstein cho rằng có thể, doanh thu nhiên liệu hóa thạch của Nga đã tăng sau khi chiến sự nổ ra tại Ukraine do giá năng lượng toàn cầu tăng.

Khi được hỏi liệu doanh thu dầu thô và khí đốt của Nga có tăng so với khoảng một vài tháng trước khi xung đột tại Ukraine nổ ra hay không, ông Hochstein cho biết ông không loại trừ khả năng đó.

img

Ảnh minh họa. Ảnh - Bloomberg

Bởi không bán cho châu Âu, Nga có thể bán nhiều dầu mỏ hơn cho các đối tác khác, bao gồm các quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn như Trung Quốc và Ấn Độ, qua việc bán dầu với giá chiết khấu so với các nguồn cung khác.

Theo ông Hochstein, dù Nga bán năng lượng cho Trung Quốc và Ấn Độ với giá chiết khấu, doanh thu của nước này vẫn tăng nhờ giá nhiên liệu trên thị trường quốc tế tăng.

Hồi tháng 5, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết doanh thu dầu mỏ của Nga tăng 50% từ đầu năm lên mức 20 tỷ USD/tháng, trong đó EU vẫn là khu vực nhập khẩu nhiều dầu mỏ nhất của Nga.

Lượng dầu mỏ Nga được Ấn Độ nhập khẩu trong tháng 5 đã tăng gấp đôi so với tháng trước đó, đạt mức kỷ lục trên 840.000 thùng/ngày và được đánh giá tiếp tục tăng trong tháng 6.

Ông Hochstein cho hay ông đã đề nghị giới chức Ấn Độ hạn chế nhập khẩu dầu mỏ Nga, tuy nhiên cũng thừa nhận Mỹ không thể kiềm chế Ấn Độ mua dầu thô của Nga bởi Mỹ chưa áp đặt các lệnh trừng phạt thứ cấp đối với lĩnh vực năng lượng. Ông Hochstein cho rằng nên một mức trần giới hạn lượng dầu mỏ Ấn Độ có thể nhập khẩu từ Nga nhưng không đề cập chi tiết.

Quyết định cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga liên quan tới chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine đã góp phần khiến giá dầu và khí đốt trên toàn cầu tăng mạnh.

Ngày 9/6, giá dầu thô Brent trên thị trường quốc tế là 123 USD/thùng, gần đạt mức cao nhất trong 3 tháng.

Khi được hỏi quan điểm về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp với những quốc gia tiếp tục mua dầu Nga như Ấn Độ, ông Hochstein cho rằng, điều quan trọng là hạn chế doanh thu năng lượng của Nga nhưng cần đảm bảo hạn chế tác động của giá nhiên liệu tăng cao tại Mỹ và với các đồng minh.

Lượng dầu mỏ Nga cung cấp cho EU tiếp tục tăng sau xung đột tại Ukraine

Báo Economist dẫn số liệu từ Argus Media cho thấy lượng dầu mỏ từ Nga chảy vào châu Âu đã tăng 14% trong giai đoạn tháng 1- tháng 4, tăng từ 750.000 lên 857.000 thùng mỗi ngày.

Cuối tháng 5, EU đã thông qua lệnh cấm vận một phần dầu mỏ Nga, áp dụng với dầu thô chở bằng đường biển, tương đương 75% lượng dầu thô Nga xuất sang EU. Lượng dầu mỏ Nga vận chuyển qua các đường ống tới một số quốc gia Trung và Đông Âu vẫn tạm thời được miễn trừ.

Đây cũng là điều kiện để Hungary, nước nhiều lần phản đối lệnh cấm vận dầu mỏ Nga của châu Âu, đồng ý chấp thuận thông qua gói trừng phạt thứ 6 của EU, bao gồm lệnh cấm vận dầu mỏ, đối với Moscow.

Đường ống Druzhba cung cấp dầu mỏ từ Nga tới Cộng hòa Séc, Đức, Hungary, Ba Lan và Slovakia. Đức và Ba Lan, 2 quốc gia nhận nhiều dầu mỏ nhất qua đường ống này, đã cam kết ngừng nhập dầu Nga trước cuối năm nay.

Các quốc gia còn lại, đều là các nước không có biển, cho biết việc chuyển đổi sang các nguồn dầu thô khác sẽ rất tốn kém và phức tạp. 92% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Slovakia trong tháng 11/2021 đến từ Nga; trong khi 65% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Hungary là từ Nga. Hai quốc gia này chủ yếu nhập khẩu dầu mỏ thông qua đường ống Druzhba.

Đức, quốc gia nhập khẩu nhiều dầu mỏ nhất từ đường ống Druzhba, là quốc gia duy nhất trong số các nước trên đã giảm lượng dầu mỏ nhập khẩu kể từ khi xung đột nổ ra tại Ukraine.

Hồi tháng 1, Đức nhập một nửa lượng dầu mỏ chảy qua đường ống Druzhba và đến tháng 4 giảm còn 1/3.

Theo Economist, các nhà máy lọc dầu châu Âu rất khó dừng nhập khẩu dầu thô từ Nga vì dầu thô Urals có giá thành thấp hơn đáng kể so với dầu thô Brent.

Tháng trước, các nhà máy lọc dầu nhập khẩu dầu thô Urals qua đường ống Druzhba được hưởng mức chiết khấu 40 USD/thùng so với dầu thô Brent, theo dữ liệu từ Argus Media.

Do đó, một số quốc gia châu Âu lưỡng lự trước việc giảm dần phụ thuộc vào dầu mỏ Nga. Cộng hòa Séc và Slovakia cho biết ủng hộ việc đi đến cấm nhập khẩu dầu mỏ qua đường ống Druzhba nhưng cần khoảng 2-3 năm để điều chỉnh.

Trong khi đó, rất ít khả năng Hungary ủng hộ việc cấm vận hoàn toàn dầu mỏ Nga, Thủ tướng Viktor Orban từng nhận định hành động này chẳng khác nào thả “một quả bom nguyên tử” xuống nền kinh tế Hungary.

Tuy nhiên, các lãnh đạo EU khẳng định việc miễn trừ đường ống Druzhba khỏi lệnh cấm vận dầu mỏ Nga sẽ được xem xét lại trong tương lai.

Quan chức Mỹ Hochstein cho biết ông đang thúc đẩy việc vận chuyển khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ, Qatar và Australia tới EU để giảm dần sự phụ thuộc của khu vực vào nguồn cung khí đốt từ Nga. Trong 4 tháng đầu năm, lượng LNG vận chuyển từ Mỹ tới châu Âu tăng 18% so với trung bình năm 2021. Chính quyền Mỹ cũng đang hợp tác với các công ty tư nhân Mỹ để thúc đẩy việc sử dụng bộ điều chỉnh nhiệt độ thông minh tại EU, giúp đạt hiệu quả cao trong sưởi ấm và làm mát, từ đó giảm nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch của Nga.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.