Bất động sản tác động mạnh đến tăng trưởng tín dụng
Tại hội nghị trực tuyến đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024 sáng nay (20/2), bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, đến cuối tháng 1/2024, tăng trưởng tín dụng giảm 0,6% so với đầu năm 2023.
Tăng trưởng tín dụng giảm ở 5 trong số 9 nhóm tổ chức tín dụng, gồm: nhóm ngân hàng thương mại nhà nước giảm 0,88%; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần giảm 0,51%; nhóm ngân hàng TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu giảm 2,22%; nhóm ngân hàng 100% vốn nước ngoài giảm 0,32%, nhóm ngân hàng liên doanh giảm 3,41%.
Lý giải về tình trạng tăng trưởng tín dụng sụt giảm so với tháng đầu năm trước, nhiều ngân hàng thương mại cho biết, nguyên nhân xuất phát từ khó khăn chung của thị trường và bất động sản.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank, đến hết tháng 1/2024 tín dụng ngân hàng này đạt 1,24 triệu tỷ đồng (so với cuối năm 2023, giảm 2,3% tương ứng 30.000 tỷ). Tín dụng giảm là do xu hướng giảm ngân tiêu dùng bất động sản giảm, kinh tế khó khăn, sản xuất khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng, dự án cấp phép năm 2023 ít... Ngoài ra, tín dụng bán buôn chiếm 70% dự nợ tín dụng của Vietcombank cũng đang gặp khó bởi vấn đề pháp lý.
Với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, ông Tùng cho biết, Vietcombank đang tiếp cận 20 dự án với dư nợ 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện khó khăn vướng mắc hiện nay là tháo gỡ thủ tục pháp lý.
Ông Trần Long, Phó tổng giám đốc BIDV cũng chia sẻ, tổng dư nợ của ngân hàng hết tháng 1 đạt 1,725 tỷ đồng, giảm 1,25% so với cuối năm 2023.
BIDV vẫn cấp vốn tín dụng tập trung các lĩnh vực ưu tiên, cho vay nông thôn chiếm 23%, doanh nghiệp nhỏ 25%, ứng dụng cao tăng trưởng 8%... Với bất động sản, dư nợ chiếm 19%, tập trung với tín dụng tiêu dùng 77% còn với doanh nghiệp bất động sản chỉ chiếm 22% chủ yếu cho vay dự án phát triển khu công nghiệp, chế xuất, khu đô thị.
Theo ông Long, tiếp đà giảm lãi suất năm 2023, lãi suất cho vay hiện giảm 0,25% cuối năm 2023, lãi suất bình quân 7,3% toàn hệ thống, ngắn hạn 6,7%, giảm tương đối sâu so với đầu năm 2023 và giữa năm 2023.
"Sức hấp thụ vốn năm 2024 còn chậm và thách thức. Hoạt động doanh nghiệp đối mặt nhiều khó khăn như pháp lý…", ông Long nói.
Tăng trưởng tín dụng 2024 khoảng 15%
Ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc MB, cho hay ngân hàng này đang giảm nhẹ dư nợ tín dụng từ đầu năm. Hiện nguồn cầu của thị trường yếu, hấp thụ kém. Vay để làm gì là câu chuyện lớn trong bối cảnh cơ cấu nền kinh tế còn khó khăn.
"Năm ngoái nói nhiều về bất động nhưng năm nay vẫn còn khó khăn, hiện đang trong quá trình tháo gỡ nhưng kết quả tháo gỡ thì hiếm. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp tháo gỡ bất động sản để không bị ảnh hưởng đến vay tiêu dùng bất động sản năm 2024", ông Ánh nói.
Tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, tình hình kinh tế toàn cầu tiếp tục dự báo mức tăng trưởng thấp hơn 2023, bối cảnh thị trường tài chính tiền tệ thế giới sẽ tiếp tục có những khó khăn, phức tạp. "Là một nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam sẽ không tránh khỏi những ảnh hưởng", Thống đốc Hồng khẳng định.
Về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong năm nay, cơ quan này định hướng mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Ngân hàng Nhà nước đề nghị các tổ chức tín dụng quyết liệt triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng đúng, trúng mục tiêu ngay từ đầu năm, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế. Các ngân hàng cần hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận