Thời sự Quốc tế

Tàu du lịch vừa không phát thải, vừa có thể làm "trạm phát điện nổi"

07/06/2022, 06:30

Công ty đóng tàu Na Uy Ulstein đang nghiên cứu thiết kế tàu du lịch không phát thải, trang bị lò phản ứng hạt nhân để tự phát điện.

Bộ đôi tàu du lịch sử dụng năng lượng hạt nhân đang được Ulstein nghiên cứu gồm tàu Thor - được đặt theo tên của vị Thần Sấm trong thần thoại Bắc Âu và là tên rút gọn của nguyên tố hóa học thorium cũng được sử dụng để tạo ra năng lượng trong lò phản ứng hạt nhân đặt trên tàu.

Việc sử dụng công nghệ năng lượng hạt nhân sẽ giúp tàu Thor không cần tái tiếp nhiên liệu mà ngược lại, có thể tự phát ra nguồn điện để cung cấp cả tàu đi cùng là tàu Sif - được đặt theo tên của nữ thần là vợ Thần Sấm Thor.

Tàu Sif có khả năng chở tối đa 60 hành khách và có khả năng di chuyển khám phá những khu vực dễ bị ảnh hưởng về môi trường như tại Nam Cực, Bắc Cực trong khi hạn chế tối đa ảnh hưởng tới môi trường nhờ khả năng không phát thải.

img

Mô hình thiết kế của tàu Thor và Sif

Tàu Thor sẽ được trang bị lò phản ứng muối nóng chảy, loại lò phản ứng hạt nhân được thử nghiệm lần đầu từ những năm 1960. Công nghệ này an toàn hơn lò phản ứng hạt nhân truyền thống và đang rất được quan tâm trong những năm gần đây.

Các phiên bản mới nhất của lò phản ứng muối nóng chảy đang được phát triển tại một số quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Canada và Đan Mạch. Tuy nhiên, cần thêm nhiều năm nữa để loại lò phản ứng hạt nhân này có thể đưa vào sản xuất thương mại và trang bị trên tàu thuyền.

Ngoài ra, tàu Sif còn được trang bị pin thể rắn giúp đạt công suất lớn hơn và hạn chế khả năng xảy ra cháy nổ.

Dự kiến, những loại pin này sẽ được đưa vào sử dụng trong các thế hệ ô tô điện mới, nhưng hiện vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu và cần thêm ít nhất một thập kỷ để được đưa vào sử dụng rộng rãi.

img

Hình ảnh đồ họa của tàu Sif. Ảnh - Ulstein

Nhờ được trang bị những công nghệ hiện đại này, tàu Thor và Sif được kỳ vọng tạo ra cuộc cách mạng trong lĩnh vực tàu du lịch, qua đó việc khám phá các địa điểm xa xôi như Nam Cực, Bắc Cực, Greenland hay nhóm đảo Galapagos trở nên dễ dàng hơn.

Vào năm 2026, khu vực Vịnh hẹp Tây Na Uy sẽ đóng cửa với tàu du lịch, chỉ cho phép tàu không phát thải tiếp cận. Một số khu vực khác trên thế giới cũng hướng đến áp đặt các quy định tương tự, yêu cầu phải chuyển đổi sang loại tàu du lịch sử dụng công nghệ xanh.

img

Hình ảnh đồ họa của tàu Thor. Ảnh - Ulstein

Ngoài ra, thiết kế của tàu Thor và Sif cũng giúp tàu hoạt động ổn định hơn khi đi trên biển, giúp chuyến đi “êm ái” hơn, an toàn và tiêu thụ ít năng lượng hơn.

Khả năng tự phát điện của tàu Thor còn có thể giúp tàu hoạt động như một trạm phát điện nổi nhằm cung cấp điện cho các quốc gia đang phát triển hoặc các khu vực vừa chịu ảnh hưởng của thiên tai. Tàu Thor còn được trang bị máy bay không người lái và sân bay trực thăng và có thể được sử dụng trong hoạt động cứu hộ.

Tuy nhiên, theo ông Øyvind Gjerde Kamsvåg, Thiết kế trưởng của Ulstein, để đưa ý tưởng thiết kế của 2 con tàu thành hiện thực cần thêm khoảng 10-15 năm nữa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.