Ngày 23/11, Sở Giao thông vận tải TP.HCM gửi đề xuất đến Sở Nội vụ, trình UBND TP.HCM xem xét thành lập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành giao thông vận tải (Ban QLDA) trực thuộc UBND thành phố.
Theo GTVT TP.HCM, về chức năng - nhiệm vụ, Ban QLDA sẽ làm chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng các công trình, dự án chuyên ngành giao thông vận tải có quy mô dự án quan trọng quốc gia, nhóm A sử dụng vốn đầu tư công; dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) và các dự án khác thuộc chuyên ngành giao thông vận tải sử dụng vốn đầu tư công, vốn ngân sách ngoài đầu tư công khi được giao.
Về tổ chức, bộ máy Ban QLDA gồm lãnh đạo Ban, các phòng chức năng, nghiệp vụ như văn phòng, phòng kế hoạch - tổng hợp, phòng kỹ thuật - thẩm định, phòng tài chính - kế toán và khối điều hành dự án là các ban điều hành dự án.
Nhân sự của Ban QLDA được điều động từ nguồn nhân sự đang quản lý một số dự án quy mô lớn, các đơn vị trực thuộc Sở GTVT, các ban quản lý dự án khu vực của quận, huyện và từ nguồn tiếp nhận, tuyển dụng mới.
Theo Sở GTVT TP.HCM, hiện thành phố chỉ có Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban giao thông) là đơn vị quản lý dự án chuyên ngành giao thông vận tải. Ban giao thông đang là chủ đầu tư 162 dự án và thực hiện công tác giám sát nhà nước 8 dự án PPP; trong đó có 2 dự án quan trọng quốc gia, 10 dự án nhóm A và các dự án nhóm B, C. Trong khi đó, ban này chỉ có 239 nhân sự với 5 phòng chuyên môn và 10 ban điều hành dự án.
Thời gian qua, trong các giai đoạn chuẩn bị dự án, thực hiện dự án mà Ban giao thông phụ trách tồn tại hạn chế, thiếu sót ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công trình và hiệu quả đầu tư.
Sở GTVT cho rằng, TP.HCM là đô thị đặc biệt nên công tác quản lý dự án liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực và có tính đặc thù như: quy hoạch ngành, quy hoạch đô thị; quản lý trật tự đô thị; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng rất khó khăn phức tạp. Do đó, đòi hỏi cán bộ quản lý dự án phải có trình độ chuyên môn tốt, kinh nghiệm, năng lực quản lý và kỹ năng giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dự án.
Với việc tăng thêm quy mô và số lượng dự án trong thời gian tới, nếu vẫn chỉ duy trì một ban quản lý dự án chuyên ngành như Ban giao thông hiện nay sẽ vượt quá năng lực quản lý, điều hành dự án, rất khó đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng dự án và không đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, các chiểu tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận