Phí mai mối lên tới 15% tổng giá trị sính lễ
Bà Lan Wen, thành viên Tỉnh ủy Giang Tây thuộc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc cho biết, dù các ứng dụng hẹn hò trực tuyến đã rất phổ biến nhưng nhiều thanh niên chưa lập gia đình ở nông thôn Trung Quốc vẫn dựa vào những người mai mối truyền thống.
Theo bà Lan, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như điều kiện kinh tế, trình độ học vấn, quan điểm hôn nhân và việc tuân thủ các phong tục truyền thống.
"Những người mai mối ở nông thôn đã tạo điều kiện thực hiện ước mơ hôn nhân cho nhiều người chưa lập gia đình", Lan nói.
Những "ông mai bà mối" ở nông thôn thường kiếm được hoa hồng dựa trên tỷ lệ phần trăm hoặc số tiền cố định trong mâm sính lễ. Trong văn bản kiến nghị đưa ra tại hai phiên họp cấp tỉnh vào tuần trước, bà Lan chỉ ra thông thường phí mai mối rơi vào khoảng từ 3-5% số tiền sính lễ, có nơi lên tới 15%.
Ngoài ra, chi phí cố định có thể dao động từ 10.000 nhân dân tệ (1.400 USD) đến 80.000 - 90.000 nhân dân tệ.
Bà Lan cảnh báo những người mai mối chuyên nghiệp có thể cố tình thổi phồng kỳ vọng sính lễ để tối đa hóa lợi nhuận do đó góp phần đẩy giá của sính lễ lên quá cao.
Tục lệ thách cưới rất phổ biến ở Trung Quốc. Chú rể thường tặng tiền hoặc quà như vàng hoặc đồ trang sức cho gia đình cô dâu và đây là một điều kiện tiên quyết để tiến tới kết hôn.
Đặc biệt trong những năm gần đây, hiếm có chủ đề nào ở Trung Quốc gây ra nhiều tranh luận và giật gân như chủ đề giá cô dâu tăng cao cắt cổ ở một số vùng nông thôn.
Chẳng hạn, năm ngoái, một bài báo với tiêu đề "Người phụ nữ Giang Tây đòi bạn trai Thượng Hải tặng quà cưới lên tới 18,88 triệu nhân dân tệ" đã đứng đầu danh sách xu hướng trên nhiều nền tảng mạng xã hội nhưng sau đó câu chuyện này hoá ra là giả mạo.
Thành lập hiệp hội, cấp chứng chỉ người mai mối chuyên nghiệp
Để giải quyết vấn đề này, bà Lan đề xuất thành lập các hiệp hội mai mối ở cấp quận, thị trấn, qua đó những người mai mối chuyên nghiệp ở nông thôn có thể đăng ký và trải qua khoá đào tạo.
Bà gợi ý nên cải thiện dịch vụ mai mối bằng cách tổ chức các sự kiện mai mối thường xuyên trong các dịp như ngày lễ truyền thống, để tạo thêm cơ hội cho những người chưa lập gia đình.
Ngoài ra, bà nhấn mạnh cần tăng cường giám sát chặt chẽ và nghiêm túc thực thi pháp luật để chống lại hành vi trục lợi không chính đáng trong ngành mai mối.
Thời gian gần đây, các tỉnh thành Trung Quốc đẩy mạnh nỗ lực để thúc đẩy các phong tục hôn nhân mới.
Đầu năm 2023, Hội đồng Nhà nước, Nội các Trung Quốc, ban hành văn bản nêu rõ sự cần thiết phải giải quyết các vấn đề chính như: giá của hồi môn cao và đám cưới xa hoa.
Bộ Nội vụ Trung Quốc có kế hoạch thúc đẩy việc cấp chứng chỉ cho lĩnh vực mai mối hôn nhân trong năm nay, yêu cầu những người hành nghề phải có chứng chỉ từ các tổ chức hợp pháp và được công nhận trên toàn quốc, đảm bảo họ có kiến thức và kỹ năng chuyên môn cần thiết.
Song ông Jin Xiaoyi, Giáo sư tại Viện Nghiên cứu Dân số và Phát triển tại Đại học Giao thông Tây An, nhấn mạnh dù áp dụng biện pháp nào cũng cần giải quyết các nguyên nhân gốc rễ dẫn đến vấn đề hét giá hồi môn thông qua hệ thống chính sách, phát triển xã hội, bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương và các biện pháp can thiệp của cộng đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận