5 hạng mục hư hại được phép khắc phục
Phòng Chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng kiểm VN) cho biết, điểm mới đáng chú ý nhất tại Thông tư 49/2023 quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật xe đạp điện đó là bổ sung trường hợp các xe nhập khẩu bị hư hại một số hạng mục trong quá trình vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam được phép khắc phục để được kiểm tra chất lượng xe nhập khẩu.
Theo đó, các hạng mục bao gồm: lớp sơn bị trầy xước hoặc ô xi hóa cục bộ nhưng không bị mọt, thủng; gương chiếu hậu nứt, vỡ; hệ thống đèn chiếu sáng, tín hiệu bị nứt, vỡ; các rơ le điều khiển bị thiếu; ắc quy không hoạt động.
Trước đây, xe đạp điện nhập khẩu về Việt Nam bị hư hại trong mọi hoàn cảnh đều không được cấp Giấy chứng nhận kiểm tra chất lượng. Điều này tiềm ẩn rủi ro không nhỏ đối với doanh nghiệp nhập khẩu, nhất là trong những tình huống khách quan xảy ra trong quá trình vận chuyển. Việc bổ sung quy định này tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu, giảm thiệt hại trong những trường hợp trên.
Ngoài ra, thông tư cũng bổ sung quy định các xe đạp điện sản xuất, lắp ráp đã được kiểm tra xuất xưởng và dán tem hợp quy khi đưa ra thị trường phải được cung cấp tài liệu hướng dẫn sử dụng (trong đó có thể hiện thông số kỹ thuật cơ bản của xe và hướng dẫn sử dụng xe), Phiếu bảo hành sản phẩm (ghi rõ điều kiện và địa chỉ các cơ sở bảo hành).
Siết trách nhiệm của cơ sở sản xuất, lắp ráp
Bộ GTVT cũng bổ sung thêm các trường hợp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe đạp điện sản xuất, lắp ráp không còn giá trị.
Bao gồm: Các cơ sở sản xuất giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật; cơ sở sản xuất giả mạo các tài liệu, khai báo không đúng các thông tin về thông số kỹ thuật, tính năng của kiểu xe; kiểu loại sản phẩm bị tạm dừng xuất xưởng quá 6 tháng mà cơ sở sản xuất vẫn không khắc phục được lỗi vi phạm.
Đồng thời, bổ sung quy định xe đạp điện bị tạm dừng xuất xưởng kiểu loại sản phẩm trong trường hợp cơ sở sản xuất vi phạm một trong các lỗi: Không duy trì việc đảm bảo chất lượng sản phẩm theo quy định; không thực hiện đầy đủ việc kiểm tra chất lượng sản phẩm theo quy trình và hướng dẫn kiểm tra chất lượng của cơ sở sản xuất đã ban hành; quản lý và sử dụng tem hợp quy không đúng quy định; không lập đầy đủ hồ sơ xuất xưởng cho xe theo quy định; không phối hợp trong việc thực hiện kiểm tra, đánh giá đột xuất, xác minh lỗi của sản phẩm.
Ngoài ra, xe xuất xưởng không đạt quy chuẩn kỹ thuật, không phù hợp với hồ sơ đăng ký chứng nhận chất lượng và mẫu điển hình của kiểu loại sản phẩm đã được cấp Giấy chứng nhận; vi phạm quy định liên quan đến sở hữu trí tuệ theo thông báo của cơ quan có thẩm quyền cũng bị tạm dừng xuất xưởng kiểu loại.
Trong thời hạn bị tạm dừng xuất xưởng, cơ sở sản xuất không được thực hiện xuất xưởng, cấp tem hợp quy cho xe của kiểu loại đang bị tạm dừng để đưa ra thị trường, phải thực hiện khắc phục các lỗi vi phạm trong thời gian tối đa 6 tháng kể từ ngày Cục Đăng kiểm thông báo yêu cầu tạm dừng xuất xưởng.
Cục Đăng kiểm sẽ xem xét, kiểm tra sau khi cơ sở sản xuất thông báo về việc đã khắc phục các lỗi vi phạm; nếu các lỗi vi phạm đã được khắc phục, Cục Đăng kiểm hủy bỏ việc tạm dừng xuất xưởng; quá thời gian quy định nêu trên mà cơ sở sản xuất vẫn chưa khắc phục được các lỗi vi phạm thì Giấy chứng nhận đã cấp cho kiểu loại sản phẩm sẽ không còn giá trị.
Đại diện Phòng Chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm VN cho biết, việc bổ sung các quy định trên là cần thiết, làm cơ sở cho cơ quan quản lý thực hiện các quy trình, thủ tục trong quá trình kiểm tra, phát hiện và xử lý các vi phạm của cơ sở sản xuất, lắp ráp mô tô, xe gắn máy và nâng cao trách nhiệm của cơ sở sản xuất, lắp ráp trong quá trình hoàn thiện sản phẩm, ngăn xe lỗi đến tay người tiêu dùng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận