Xã hội

Xét nghiệm diện rộng với học sinh gây lãng phí, hại sức khỏe

13/10/2021, 08:00

Theo các chuyên gia dịch tễ, việc một số nơi vẫn yêu cầu xét nghiệm Covid-19 với học sinh, giáo viên khi quay lại trường học là lãng phí...

Tuyệt đối không nên xét nghiệm diện rộng với học sinh

Mới đây, UBND TP Hải Phòng đồng ý với đề nghị của Sở GD&ĐT về việc xét nghiệm Covid-19 đối với học sinh các cấp học từ mầm non đến THPT trên toàn thành phố.

Cụ thể, Hải Phòng chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn phối hợp Trung tâm Y tế các quận, huyện triển khai lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR (mẫu gộp 10) cho các em học sinh; số lượng xét nghiệm là 5% cho mỗi khối học/mỗi trường (khoảng 25.100 học sinh).

img

Học sinh thực hiện đeo khẩu trang - 1 điều kiện bắt buộc phòng, chống dịch khi đến trường Ảnh: Tạ Hải

Kinh phí xét nghiệm do UBND TP Hải Phòng chi trả. Đối với các trường mầm non, chỉ thực hiện xét nghiệm các trẻ em mầm non nếu được phụ huynh xác nhận đồng ý và có biểu hiện lâm sàng ho, sốt, khó thở.

Ngoài việc chuẩn bị các điều kiện an toàn trường học từ phía các cơ quan chức năng, cha mẹ, nhà trường, thầy cô, học sinh cần được hướng dẫn, truyền thông về việc nhận biết các dấu hiệu bệnh để chủ động phát hiện sớm. Cùng đó là việc nghiêm túc thực hiện quy định 5K của Bộ Y tế, để đảm bảo an toàn tối đa, tránh nguy cơ dịch lây lan trong trường học.
BS. Nguyễn Trọng An, nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH

Ngoài Hải Phòng, nhiều tỉnh, thành khác cũng đã xây dựng các phương án đón học sinh trở lại trường sau thời gian dài học trực tuyến để phòng, chống dịch.

Theo ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang, ngành Giáo dục đang phối hợp với ngành Y tế tỉnh để dự thảo Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học; tổ chức rà soát tiêm vaccine cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, đảm bảo 100% phải tiêm đủ 2 liều vaccine và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi dạy học trực tiếp…

Trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS. Trần Đắc Phu, Cố vấn Cao cấp Trung tấm đáp ứng khẩn cấp y tế công cộng, Bộ Y tế cho biết: “Cần hiểu xét nghiệm Covid-19 như lát cắt. Do vậy, sau xét nghiệm, học sinh hay giáo viên có thể mắc bệnh thì việc xét nghiệm không có nhiều ý nghĩa. Việc xét nghiệm chỉ nên thực hiện đối với các đối tượng nguy cơ cao, vùng nguy cơ cao hoặc có dấu hiệu của Covid-19 như sốt, ho… Còn lại không cần thiết phải làm xét nghiệm Covid-19, tránh gây tốn kém, không hiệu quả”.

PGS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cũng cho rằng: “Với giáo viên, người phục vụ tại trường học nếu chưa tiêm vaccine thì nên kiểm tra, xét nghiệm định kỳ.

Nếu đã tiêm vaccine rồi thì không cần thiết. Còn với học sinh thì tuyệt đối không nên thực hiện xét nghiệm diện rộng. Việc tổ chức xét nghiệm tại các trường học có thể ảnh hưởng đến sức khỏe do niêm mạc mũi còn chưa hoàn thiện dễ tổn thương, lấy mẫu không khéo sẽ gây đau với trẻ, thậm chí có thể làm lây lan dịch bệnh.

Chỉ khi trẻ có triệu chứng, nên cho trẻ nghỉ học, báo cơ quan y tế để được thực hiện xét nghiệm cá thể bằng hình thức PCR đảm bảo độ chính xác cao”.

Ông Nga cũng lưu ý, nếu vùng xanh như Hải Phòng, Cao Bằng… vốn kiểm soát tốt dịch Covid-19 thì hoàn toàn không cần thiết làm xét nghiệm Covid-19, tránh gây ảnh hưởng sức khỏe của trẻ và tốn kém.

Cách nào đảm bảo an toàn trường học?

Theo PGS Trần Đắc Phu, điều quan trọng là các trường phải thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng bệnh Covid-19, đặc biệt lưu tâm kiểm soát. Nếu bất kỳ cá nhân nào có dấu hiệu ho, sốt phải cho nghỉ, xét nghiệm.

Đồng thời nên có kết nối, hướng dẫn để ngay cả người nhà học sinh nếu có dấu hiệu ho, sốt cần thông báo, cho học sinh nghỉ để theo dõi, xét nghiệm, kiểm soát.

Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho học sinh khi quay trở lại trường học, theo ông Nga, nên khuyến khích cha mẹ học sinh, giáo viên và nhân viên trường học tiêm đủ 2 mũi vaccine; thực hiện việc đeo khẩu trang tại trường học, có điều kiện nên thực hiện giãn cách trong lớp bằng cách linh hoạt tổ chức môn trực tuyến, môn trực tiếp, để phân ca các lớp cho phù hợp; hạn chế các hoạt động tập trung; không dùng điều hòa, mở cửa sổ, quạt thông thoáng; không nên tổ chức ăn trưa, nếu có phải tính toán phương án giãn cách nhất có thể…

Bộ Y tế đang xây dựng hướng dẫn tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em. Dự kiến tháng 10 bắt đầu tiêm cho trẻ em từ 12 - 18 tuổi. Sau đó, sẽ mở rộng ra các nhóm tuổi thấp hơn.


Trước câu hỏi liệu thời điểm này đã thật sự thích hợp để mở cửa trở lại các trường học hay chưa, PGS. Nguyễn Huy Nga nhận định: “Thời điểm này hoàn toàn hợp lý để cho trẻ đến trường. Như ở Nhật Bản, dù có dịch cũng vẫn duy trì các lớp học và tương tự tại Mỹ, trừ khi khu vực, lớp, trường có bùng phát mạnh mới cho học sinh nghỉ chuyển sang học online. Trong trường hợp nếu 1 trẻ trong lớp thành F0, lớp chuyển sang học trực tuyến, không cứng nhắc, nhà trường sẵn sàng 2 phương án trực tiếp và trực tuyến. Sẽ không có công thức áp dụng cho tất cả được nhưng cần xác định sống chung với dịch, linh hoạt các giải pháp”.

Về vấn đề này, BS. Nguyễn Trọng An, nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH cũng nhận định, việc mở lại trường học là cần thiết.

“Trẻ em là phải được chạy nhảy, vui chơi ngoài môi trường tự nhiên, phải giao lưu bạn bè. Chúng ta thấy rõ là trẻ em ở lâu quá trong nhà cũng không tốt, nhất là học sinh mẫu giáo, tiểu học. Xuất hiện các vấn đề về rối nhiễu tâm trí, sức khỏe tâm thần của trẻ em trong, sau dịch Covid-19 đã được chuyên gia UNICEF cảnh báo. Đồng thời, học trực tuyến không chỉ khiến chất lượng học tập không cao mà còn ảnh hưởng tới thị lực của trẻ, các bệnh khúc xạ, gù vẹo cột sống gia tăng”, ông An lý giải.

Vị chuyên gia cũng cho rằng, tùy tình hình tại mỗi địa phương, việc mở cửa trường học đón học sinh trở lại không nên diễn ra đồng loạt, an toàn đến đâu mở đến đó.

Bên cạnh đó, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa y tế địa phương với trường học để có sự can thiệp kịp thời khi phát hiện dấu hiệu dịch bệnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.