Cuộc sống ngày càng hiện đại nên việc đón Tết cũng dần khác xưa. Tuy nhiên, không phải vì chuẩn bị Tết vội vàng, tinh gọn mà không khí rộn ràng, vui tươi sẽ mất đi. Với xu hướng đón Tết mới, nhiều gia đình đã chuyển từ thói quen ăn Tết sang chơi Tết.
Báo Giao thông có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ, chuyên gia văn hóa Bùi Thị Như Ngọc về câu chuyện Tết xưa – Tết nay.
Tết vẫn được coi trọng dù có sự thay đổi
Ngày xưa, để chuẩn bị một cái Tết đủ đầy, người phụ nữ phải vất vả chuẩn bị, sắm sanh, bếp núc, còn đàn ông phụ trách việc cúng bái. So với xưa, Tết thời nay thay đổi ra sao, thưa bà?
Với Tết xưa, chúng ta có thể thấy mọi người rất cẩn thận, cầu kỳ trong việc chuẩn bị các nguyên liệu, chế biến các mâm cúng Tết và các phong tục tập quán khác như chúc Tết, lì xì. Đặc biệt, thói quen cúng gia tiên trong các ngày Tết được các gia đình Việt xưa thể hiện rất cẩn thận.
Ngày nay, chúng ta vẫn trên cơ sở gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống nhưng đã có những biến đổi nhất định do ảnh hưởng của điều kiện kinh tế phát triển hơn, văn hóa thay đổi và sự tác động của toàn cầu hóa.
Như mâm cỗ Tết ở Hà Nội trước đây thường có 4 bát 6 đĩa hoặc 6 bát 8 đĩa thì ngày nay có thêm các món ăn nhập ngoại, cách chế biến mang tính hiện đại hoặc hòa trộn giữa các nền văn hóa ẩm thực khác nhau.
Về giá trị văn hóa tinh thần, một số phong tục tập quán ít nhiều cũng có sự chuyển hóa, biến đổi. Ví dụ trước đây, đa số gia đình rất coi trọng việc đêm 30 hay mùng 1, mùng 2, mùng 3 và hóa vàng ngày nào cũng chuẩn bị một mâm cúng Tết đặt lên bàn thờ gia tiên, sau đó cho con cháu thụ lộc. Hiện nay, các gia đình thường chỉ cúng gia tiên chiều 30, sáng mùng 1 sau đó đến hóa vàng mới cúng tiếp. Cho nên người phụ nữ ngày nay thường đỡ vất vả hơn trong việc sắm Tết cũng như các hoạt động trong Tết.
Tuy nhiên, những phong tục tập quán như gói bánh chưng, làm mứt, xin lộc... vẫn được duy trì để gìn giữ các phong vị văn hóa của Tết, gắn kết thêm các thành viên trong gia đình, thể hiện sự giúp đỡ tương trợ lẫn nhau. Những nét xưa cũ còn được gắn với hoạt động tình nghĩa hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn do hội nhóm, cơ quan, doanh nghiệp thực hiện.
Tết thông qua những hoạt động này đã lan tỏa tinh thần chia sẻ, đùm bọc không chỉ giữa các thành viên trong gia đình mà còn giữa các thành viên trong cộng đồng với tinh thần lá lành đùm lá rách. Những hoạt động rất nhân văn và ý nghĩa đó đã từ đó góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, cần được gìn giữ phát huy, nâng tầm sáng tạo trên cơ sở không phá vỡ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của ngày Tết.
Giới trẻ luôn hào hứng với các giá trị văn hóa liên quan Tết cổ truyền. Trước sự thay đổi nhanh chóng của kinh tế - xã hội, theo bà, các thế hệ sau này cần làm gì để gìn giữ phong tục tập quán đó?
Việc gìn giữ phải xuất phát từ bản thân mỗi người, khi chúng ta đã có nhận thức đúng đắn về giá trị ý nghĩa văn hóa của tết Nguyên đán thì sẽ có hành động tương ứng để gìn giữ những phong tục tập quán tốt đẹp đó và không ngừng lan tỏa những giá trị trong đời sống văn hóa lễ Tết hiện nay.
Khi xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống ngày càng đủ đầy, chắc chắn các phong tục tập quán ngày Tết cũng sẽ biến đổi. Vì Tết là một giá trị văn hóa và văn hóa là sự biến đổi nên chắc chắn các phong tục tập quán của ngày Tết vẫn có sự biến đổi nhưng trên cơ sở vẫn giữ những giá trị văn hóa khó có thể thay thế.
Như tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là để gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, để gắn kết giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, để củng cố với cộng đồng gia tộc, nhìn rộng ra cộng đồng của toàn dân tộc.
Nhiều gia đình không cần cầu kỳ chuẩn bị Tết chúng ta vẫn có thói quen hỏi nhau có về quê ăn Tết hay không. Việc ăn Tết ngày nay vẫn được coi trọng và vẫn như một thói quen văn hóa dù đã có sự biến đổi khi một bộ phận người Việt có sự cân bằng hoặc có xu hướng chuyển giữa ăn Tết và chơi Tết.
Quan điểm của tôi là xu hướng này khó tránh khỏi. Cho nên thay vì chúng ta lo lắng rằng nó có bị mai một những giá trị văn hóa truyền thống hay không, Tết có bị lai căn không thì điều quan trọng chúng ta cần xác định rõ và kiên định nhận thức đúng đắn về Tết về giá trị, ý nghĩa văn hóa của Tết. Khi đó, chúng ta sẽ có hành động đúng đắn để gìn giữ và phát huy sáng tạo những giá trị, ý nghĩa văn hóa mới cho Tết.
Du lịch dịp Tết có làm mai một giá trị văn hóa?
Những năm gần đây, nhiều người tranh thủ thời gian nghỉ Tết để đi du lịch. Ở góc nhìn văn hóa, bà nghĩ gì về xu hướng này?
Việc chuyển dịch từ ăn sang chơi Tết của một bộ phận người dân hiện nay kéo theo những ảnh hưởng cả tích cực và tiêu cực. Khi đi du lịch, họ đỡ vất vả trong những ngày Tết, được nghỉ ngơi nhiều hơn. Đặc biệt sự vất vả của phụ nữ trong mấy ngày Tết cũng giảm đi rất nhiều, từ đó kéo theo vấn đề bình đẳng giới và giải phóng sức lao động cho phụ nữ trong ngày Tết.
Tuy nhiên, xu hướng này cũng kéo theo những mặt trái về nguy cơ mai một, phai nhạt những giá trị văn hóa của Tết. Sự gắn bó giữa các thế hệ các thành viên trong gia đình cũng có thể lỏng lẻo hơn.
Đa phần Tết ngày nay giản tiện hơn nên các thành viên trong gia đình có thời gian để nghỉ ngơi, chơi Tết nhiều hơn. Phụ nữ đỡ vất vả hơn khi có thể đặt đồ ăn hoặc lễ vật. Tết lúc này trở thành một dịp để người Việt không chỉ nghỉ ngơi mà còn tái tạo sức lao động, có những phút giây quây quần đáng nhớ bên gia đình.
Nếu như ngày xưa Tết, người ta hay nghiêng về ăn Tết thì ngày nay dần dần người ta đang nghiêng về chơi Tết nhiều hơn. Mặc dù vẫn giữ những phong tục tập quán truyền thống nhưng đã sắp xếp để phù hợp hơn. Đặc biệt nhờ sự trợ giúp của các dịch vụ nên người dân có nhiều thời gian để nghỉ ngơi, giải trí.
So với trước đây, Tết ngày nay có nhiều thay đổi từ chuyện mua sắm, đi lại, cho đến phong tục lấy may đầu năm. Bên cạnh những quan điểm lo ngại văn hóa Tết cổ truyền xưa đang bị mai một thì cũng có những góc nhìn cho thấy sự thay đổi có những mặt tích cực và phù hợp.
Chuyện sắm Tết ngày xưa đa phần do phụ nữ trong gia đình đảm nhận. Còn chuyện chuẩn bị cho Tết như trang trí nhà cửa, dọn dẹp thì có sự phân chia về vai trò giữa đàn ông và phụ nữ trong gia đình. Ví dụ người đàn ông thường lau dọn bàn thờ, bao sái ban thờ, trang hoàng nhà cửa. Rồi Tết xưa thì hay đụng lợn, nhưng ngày nay phong tục này đang dần mai một.
Ngày xưa, phụ nữ vẫn hay phụ trách những việc bếp núc. Nhưng ngày nay bình đẳng giới và những định kiến xã hội được xóa bỏ. Trong các gia đình, đặc biệt gia đình trẻ, việc phân chia vai trò không còn quá rạch ròi. Thay vào đó, vợ chồng cùng nhau làm việc, giúp đỡ nhau. Ai có thời gian rảnh rỗi hơn thì có thể đảm nhiệm phần việc cho người còn lại. Đó là sự thay đổi rất tiến bộ.
Hay chuyện đi lại ngày Tết, người xưa chủ yếu di chuyển trong phạm vi gần. Do điều kiện giao thông lúc đó không phát triển và đa phần là người Việt có xu hướng là "ta về ta tắm ao ta dù trong dù đục a9o nhà vẫn hơn" - tức là lấy vợ, lấy chồng thường là trong cùng làng nên việc đi lại, chúc Tết không quá xa xôi và thường đi bộ.
Và với nhiều gia đình, việc đi lại nhiều hơn như hiện nay giúp họ có cơ hội để mở mang thêm tầm mắt, biết thêm việc chuẩn bị và đón Tết của các vùng miền.
Hay ngày xưa người Việt thường có phong tục "đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi" nhưng ngày nay một số gia đình, đặc biệt những gia đình trẻ không duy trì phong tục này. Quan niệm đầu năm đi lễ chùa và bẻ cành cây lấy lộc cũng không còn nhiều người thực hiện vì muốn bảo vệ cây xanh, gìn giữ môi trường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận