Bộ Công thương cho hay, hiện chưa có nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước đầu tư dự án điện gió ngoài khơi nên chưa rõ yêu cầu của nhà đầu tư liên quan đến cam kết sản lượng, hợp đồng mua bán điện, việc chuyển đổi ngoại tệ và các yêu cầu về tài chính liên quan.
Ngoài ra, các vấn đề có thể xuất hiện theo yêu cầu của nhà tài trợ hoặc từ phía chủ đầu tư cũng chưa có dữ liệu đánh giá như: giá bán điện điều chỉnh theo tỷ giá USD/VNĐ; tỷ suất sinh lợi của dự án/vốn chủ sở hữu; việc tính toán lãi suất vay vốn của dự án điện gió ngoài khơi; vấn đề bồi thường khi có sự thay đổi bất lợi của quy định pháp luật; vấn đề bảo lãnh của Chính phủ đối với một số nội dung trong hợp đồng mua bán điện...
Những vướng mắc trên khiến việc xác định giá điện cho dự án điện gió ngoài khơi gặp khó khăn. Trong khi đó, giá điện là mấu chốt để các nhà đầu tư tính toán hiệu quả suất đầu tư, từ đó đưa ra quyết định có "xuống tay" đầu tư hay không.
Vì thế, bên cạnh đề xuất cơ chế thí điểm dự án điện gió ngoài khơi, Bộ Công thương cũng đưa ra đề xuất giá điện cho dự án thí điểm. Theo đó, bộ này kiến nghị giá điện sẽ xác định theo giá trị quyết toán dự án sau khi được kiểm toán bởi Kiểm toán Nhà nước.
"Trong khi chưa có giá điện chính thức, giá điện tạm tính theo giá xác định trong giai đoạn lập dự án đầu tư, lập tổng dự toán", Bộ Công thương nêu.
Theo báo cáo của EVN, ước lượng giá bán điện từ các nhà máy điện gió ngoài khơi ngưỡng 11-13 Uscent/kWh. Mức này khá cao so với chi phí biên dài hạn của hệ thống.
Việc nhiều nguồn điện giá cao vào hệ thống điện sẽ khiến chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN tăng lên.
Dẫn quy định tại khoản 4 Điều 7 Luật Doanh nghiệp nêu rõ, doanh nghiệp có quyền "tự do tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng", theo Bộ Công thương, EVN là doanh nghiệp Nhà nước, "trực tiếp kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận theo quy định của pháp luật, bảo toàn và phát triển vốn của EVN"…
Vì thế, trường hợp giá mua điện của dự án điện gió ngoài khơi cao hơn giá bán điện của EVN hoặc làm cho EVN thua lỗ, thì về nguyên tắc EVN có quyền từ chối mua điện để "bảo toàn và phát triển vốn của EVN".
Tại dự thảo này, ở giai đoạn đầu, Bộ Công thương đề xuất 3 phương án giao Tập đoàn kinh tế nhà nước đầu tư dự án thí điểm điện gió ngoài khơi.
Phương án 1: Giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Ưu điểm là, điện gió ngoài khơi có một số hạng mục, công trình tương đồng với các dự án dầu khí ngoài khơi, cùng cơ sở dữ liệu (địa kỹ thuật, địa vật lý) sẵn có của ngành dầu khí, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực dồi dào, có chất lượng…
Tuy nhiên, việc giao PVN đầu tư điện gió ngoài khơi cũng cần được đánh giá phù hợp với chủ trương của Đảng về định hướng ngành, nghề, lĩnh vực kinh doanh của PVN. Vì hiện nay, nghị quyết của Đảng chưa cho phép PVN được đầu tư ngoài ngành và đầu tư điện gió ngoài khơi.
Phương án 2: Giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Bộ Công thương đánh giá, việc giao EVN đầu tư thí điểm cũng có ưu điểm nhất định do không phải tiến hành đàm phán giá điện (do EVN đồng thời là đơn vị mua điện và bán điện).
Hơn nữa, việc triển khai dự án cũng sẽ thuận lợi khi EVN là tập đoàn có nhiều kinh nghiệm trong việc đầu tư, quản lý vận hành các nhà máy điện và hệ thống truyền tải điện…
Tuy nhiên, đây là lĩnh vực mới nên có những đòi hỏi khác so với các dự án điện truyền thống.
Phương án 3: Giao đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng.
Phương án này cũng cần được đánh giá về sự phù hợp với chủ trương của Đảng, cũng như việc đánh giá tính khả thi sau khi xem xét năng lực của đơn vị cụ thể thuộc Bộ Quốc phòng…
Các phương án được đưa ra, tuy nhiên, việc lựa chọn phương án nào, Bộ Công thương cho biết, sẽ tiếp tục được làm rõ sau khi bộ này nhận được ý kiến góp ý của các bộ, ngành và đơn vị liên quan.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận