Bước vào đợt thực hiện giãn cách xã hội lần thứ 3, Thường trực Tỉnh ủy Trà Vinh đã có kết luận, yêu cầu UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành có liên quan triển khai thực hiện hàng loạt các phương án kiềm chế, kéo giảm và kiểm soát dịch Covid-19.
Trong đó, chỉ đạo UBND huyện Duyên Hải, Trà Cú và thị xã Duyên Hải khi tàu thuyền chỉ đi qua tỉnh Trà Vinh thì cho phép tàu di chuyển đến tỉnh, TP theo yêu cầu của chủ tàu và không cần tổ chức khai báo y tế.
Tàu biển lưu thông trên luồng sông Hậu. Ảnh: Lê An
Theo một số doanh nghiệp hoa tiêu hàng hải, thực hiện theo kết luận của Thường trực tỉnh ủy Trà Vinh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Trà Vinh không tổ chức khai báo y tế đối với tàu chỉ đi qua địa phương này. Việc này vô tình đã khiến cho hoạt động hàng hải gặp khó.
Các đơn vị này cho biết, theo quy định, khi vào luồng sông Hậu và luồng Định An, tàu biển phải tiến hành việc kiểm dịch, khai báo y tế. Sau khi phương tiện trên đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch thì hoa tiêu mới lên tàu và dẫn tàu lưu thông vào luồng hàng hải.
“Trước đó, khi tàu vào cảng thuộc địa bàn nào, thì cảng ở địa phương đó sẽ phối hợp với ngành Y tế đưa người lên vị trí đầu luồng để tiến hành kiểm dịch. Tuy nhiên từ khi xảy ra dịch, các đơn vị phối hợp cho CDC tỉnh Trà Vinh thực hiện việc kiểm dịch vì địa phương này nằm ở vị trí đầu luồng.
Tuy nhiên, sau khi Tỉnh ủy Trà Vinh có thông báo thì CDC tỉnh Trà Vinh không kiểm dịch nữa, tỉnh nào thì đến đó tự làm. Vấn đề vướng ở đây là nếu không thực hiện việc kiểm dịch thì hoa tiêu từ chối lên tàu.
Luồng này phục vụ cho cảng ở Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp thậm chí là Campuchia. Hoa tiêu mà không lên tàu thì hoạt động hàng hải sẽ bị đứng lại”, một doanh nghiệp hoa tiêu hàng hải cho biết.
“CDC Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp sẽ không thể cử nhân viên ra đầu luồng để thực hiện kiểm dịch được vì hiện nay thực hiện giãn cách. Mặt khác khoảng cách các địa phương khá xa.
Từ trước đến nay, CDC tỉnh Trà Vinh đã hỗ trợ cho doanh nghiệp trong vấn đề kiểm dịch, nay chúng tôi kiến nghị đề xuất UBND tỉnh Trà Vinh cho phép CDC tiếp tục hỗ trợ kiểm soát dịch Covid-19 ngay đầu luồng”, ông Nguyễn Minh Hiền, Giám đốc Công ty Đại lý Hàng hải Mekong bày tỏ.
Trao đổi cùng PV Báo Giao thông, đại diện Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ (Cục Hàng hải Việt Nam) cho biết, ngay sau khi tiếp nhận thông tin, để không đứt gãy chuỗi vận chuyển đường biển, sáng nay (19/8), Cục Hàng hải Việt Nam đã chủ trì cuộc họp trực tuyến, xử lý các kiến nghị của doanh nghiệp.
Cụ thể, trước mắt cho các Cảng vụ Hàng hải khu vực thiết lập khu kiểm dịch tạm thời nằm sâu trong sông để CDC các địa phương Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp có điều kiện lên tàu thực hiện việc kiểm dịch.
Trong đó, khu kiểm dịch tạm thời cho tàu vào khu vực Cần Thơ và Hậu Giang sẽ được bố trí tại khu neo chờ CC1, CC2.
“Đồng thời, thống nhất cho hoa tiêu đã tiêm đủ 2 liều vaccine, trang bị đầy đủ đồ bảo hộ y tế được lên tàu và từ khu vực phao số “0” vào đến các khu kiểm dịch tạm thời. Sau đó, CDC sẽ lên tàu thực hiện việc kiểm dịch.
Sau khi kiểm dịch xong tàu mới được làm hàng, cập cầu” đại diện Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ cho hay.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa ký văn bản gửi các Bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị phối hợp đẩy mạnh hoạt động vận tải hàng hóa trên đường thủy trong điều kiện phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Để đẩy mạnh vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là nông sản trên các tuyến đường thủy bảo đảm các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa trên đường thủy nhằm tránh sự đứt gãy chuỗi vận tải, logistics phục vụ sản xuất và cung ứng hàng hóa cho nhân dân.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng bảo đảm phòng chống dịch hiệu quả và xử lý nghiêm các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận