Muốn lắp phải có hồ sơ cải tạo
Bạn đọc Vũ Văn Toàn (Hạ Long, Quảng Ninh) phản ánh: Dịp Tết vừa qua, đi trên đường tôi thấy một số ô tô con gắn thêm giá trên nóc sau đó có chằng vali và một số hàng hóa như cành hoa đào, xe đạp gấp, đồ gia dụng...
"Xin hỏi, việc gắn thêm giá trên nóc xe ô tô có đúng quy định không và việc chở hàng cồng kềnh như vậy có bị xử phạt?", anh Toàn hỏi.
Trả lời nội dung này, luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật Pháp trị (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, Thông tư 43/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 85/2014 của Bộ GTVT cho phép đăng kiểm 19 trường hợp cải tạo ô tô mà không cần lập hồ sơ thiết kế, trong đó có mục thay thế hoặc tháo bỏ giá nóc của ô tô con.
“Điều này có nghĩa chủ xe chỉ được miễn khâu lập hồ sơ thiết kế (bản vẽ và thuyết minh) nhưng vẫn phải lập hồ sơ cải tạo. Điều này có nghĩa là chủ xe không được tự do lắp thêm giá trên nóc xe”, ông Lực nói.
Còn theo Thông tư 2/2023/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 16/2021/TT-BGTVT thì xe lắp thêm cản trước, cản sau và giá nóc sẽ bị từ chối đăng kiểm khi giá để hàng, khoang hành lý rơi vào tình trạng không đầy đủ, lắp đặt không chắc chắn, nứt, gãy; không đúng theo thiết kế của nhà sản xuất; không đúng quy cách, không chia khoang theo quy định.
Giải thích thêm nội dung này, một giám đốc một Trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP Hà Nội cho biết, theo quy định, khi ô tô lắp thêm giá ở nóc xe mà không có hồ sơ cải tạo, thay đổi kết cấu là không được đăng kiểm.
"Hồ sơ cải tạo gồm có văn bản đề nghị của người dân gửi đến trung tâm đăng kiểm, sau đó trung tâm căn cứ hành lang pháp lý, kiểm tra trực tiếp nếu việc lắp thêm giá trên nóc xe đảm bảo thì trung tâm sẽ cấp giấy cải tạo.
Việc lắp đặt giá trên nóc phải căn cứ vào hướng dẫn của nhà sản xuất, không thay đổi chiều rộng của xe. Điều này được thể hiện trong sổ tay hướng dẫn và thông số kỹ thuật của nhà sản xuất đưa ra", vị này nói.
Tự ý lắp giá trên nóc có bị xử phạt?
Trước câu hỏi có được lắp đặt cốp hành lý trên nóc xe ô tô có được hay không, Bộ Công an cho biết, Điểm a Khoản 9 Điều 30 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP) đã có quy định.
Theo đó, phạt tiền từ 6-8 triệu đồng đối với cá nhân; phạt tiền từ 12-16 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô thực hiện hành vi "tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe không đúng thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế trong hồ sơ đã nộp cho cơ quan đăng ký xe hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt".
Đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường và tem kiểm định của phương tiện từ 1-3 tháng.
Còn luật sư Quách Thành Lực cho biết, đối với chở đồ trên nóc xe con, Nghị định 100/2019 quy định việc chở hành lý hoặc hàng hóa vượt quá kích thước bao ngoài của xe là vi phạm (chiều dài, chiều rộng), mức phạt tiền từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng.
"Đối với chiều cao hàng hóa, hiện chưa có văn bản luật nào quy định về chiều cao hàng trên nóc xe con. Tuy nhiên, nếu chở hàng quá cao, gây mất an toàn giao thông, tài xế vẫn có thể bị phạt, ví dụ vượt quá chiều cao giới hạn của gầm cầu, giá long môn... Hơn nữa, khi chở hàng quá cao sẽ ảnh hưởng tới khả năng vận hành của xe, gây mất an toàn", ông Lực nói.
Luật sư Quách Thành Lực đưa ra lời khuyên, với xe con đã có sẵn giá nóc như thiết kế của nhà sản xuất, tài xế có thể chở đồ, nhưng cần giới hạn không gian trong chiều dài, rộng của xe, đồng thời không chở quá cao, chỉ nên bằng chiều cao của những chiếc valy xếp nằm. Với xe chưa có giá nóc, cần đăng ký cải tạo với cơ quan đăng kiểm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận