Từ câu chuyện "hòn đá đen bốc cháy"
Nằm dưới chân dãy núi Yên Lãng ở phường Yên Thọ, thị xã Đông Triều (Quảng Ninh), Khu di tích lịch sử Địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam (Khu di tích miếu Mỏ) là nơi tri ân tổ nghiệp ngành than.
Ông Trần Hữu Trịnh giới thiệu về việc khai thác than ở khu vực miếu Mỏ.
Dẫn PV tham quan các công trình, ông Trần Hữu Trịnh, quản lý Khu di tích tự hào kể về quá trình phát hiện, khai thác hòn than đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo câu chuyện được lưu truyền, vào một ngày nọ, có người tiều phu ở An Lãng (Yên Thọ) đi rừng và nhìn thấy những hòn đá đen nằm trên sườn núi bèn đem kê làm ông đầu rau (kê bếp) để nấu cơm ngay bên bờ suối. Một lúc sau, những hòn đá bắt lửa, đỏ rực lên và tỏa nhiệt lượng lớn.
Thấy lạ, dân chúng trong vùng báo cho quan trên biết về những hòn "đá cháy" có khả năng phát sáng. Triều đình Huế đã biết thêm được một nguồn tài nguyên quý giá ở vùng phía Bắc xa xôi và dù việc vận chuyển vất vả, Bộ Hộ khi ấy đã yêu cầu đào hơn 10 vạn cân đá đen mang vào kinh thành Huế.
Vị quan trực tiếp khai thác than ở Đông Triều là Tôn Thất Bật, khi ấy đang làm Tổng đốc Hải Yên - một vùng đất bao gồm tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh hiện nay. Tháng 12/1839, Tôn Thất Bật dâng sớ xin phép triều đình cho khai thác than ở vùng Đông Triều.
Sách "Đại Nam thực lục" ghi rằng, nhận sớ của Tổng đốc Hải Yên, vua Minh Mạng phê: "Nhân dân hạt ngươi vừa mới hồi lại được yên vui, sao nỡ đem việc không cần kíp làm mệt nhọc người ta, chầm chậm lại cũng chưa muộn gì".
Nhưng Tổng đốc Tôn Thất Bật tâu: "Dân bị vụ mùa tổn thất, đời sống khó khăn, đều tình nguyện đi làm thuê trông vào tiền công để nuôi thân". Ngày 10/1/1840, vua Minh Mạng ra chỉ dụ cho khai thác than ở vùng núi Yên Lãng.
Từ sau chỉ dụ của vua, quá trình khai thác than ở Việt Nam chính thức được bắt đầu. Cũng từ đó đã hình thành đội ngũ thợ mỏ ở địa phương để khai thác than đá trước khi triều đình nhà Nguyễn ký bán khu mỏ Đông Triều cho người Pháp.
Sau này, tại địa điểm khai thác than đầu tiên dưới chân núi Yên Lãng, đã xuất hiện ngôi miếu thờ ông tổ ngành than. Miếu còn thờ những người đi rừng, người làm than tứ xứ chết không có người hương khói.
Niềm tin tâm linh của người thợ mỏ
Ông Trịnh cho biết, với những người thợ mỏ, ngôi miếu vừa là nơi lưu giữ lịch sử, vừa là nơi họ gửi gắm sự tin tưởng của tâm linh. Bởi với người thợ mỏ công việc vất vả, nguy hiểm, thường được ví "ăn cơm dương gian làm việc âm phủ" thì ngôi miếu như một niềm tin tâm linh giúp họ vững tâm, chắc tay búa, rắn tay choòng, ánh mắt tinh nhạy quan sát xung quanh.
Ngôi miếu vừa là nơi lưu giữ lịch sử, vừa là nơi họ gửi gắm sự tin tưởng của tâm linh của những người thợ mỏ.
Do đó, miếu Mỏ xưa được dựng bằng gạch, trải qua mưa nắng là hư hỏng, lập tức anh em thợ thuyền cùng người thân lại hò nhau vào sửa chữa. Đến năm 2000, các cụ cao tuổi xã Yên Thọ, trong đó có nhiều thợ mỏ về hưu đã đồng tâm xây dựng lại ngôi miếu trên nền cũ.
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) ngay từ những ngày đầu thành lập đã triển khai xây dựng dự án trùng tu di tích miếu Mỏ ở Yên Thọ. Năm 2008, UBND tỉnh Quảng Ninh công nhận "Địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam" tại núi Yên Lãng là di tích cấp tỉnh.
Trong giai đoạn 2009-2019, TKV đã xây dựng công trình Thạch trụ yểm sơn, mở đầu cho công việc tôn tạo di tích. Tiếp đó, triển khai xây dựng hoàn thành Đài Hoàng đế chỉ lệnh tại khu vực đền Hạ, đền Thượng, tuyến đường từ tháp Thạch trụ yểm sơn vào đền Thượng và tu bổ nâng cấp một số hạng mục di tích miếu Bãi Tràng Tiền, xây dựng Nhà bia tưởng niệm thợ mỏ đã hy sinh...
Năm 2020, UBND tỉnh Quảng Ninh đã đặt tên tuyến đường qua khu Trại Hà, phường Yên Thọ mang tên Tôn Thất Bật.
Gian nan đường vào miếu Mỏ
Từ quốc lộ 18 rẽ vào đường Tôn Thất Bật, qua làng địa chất đến miếu Mỏ dài hơn 3km được đổ bê tông, PV ghi nhận mặt đường gập ghềnh, đầy ổ gà, ổ voi, mỗi khi có xe ô tô đi qua là bụi cuốn mù mịt.
Nhiều đoạn trên phố Tôn Thất Bật xuống cấp nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Xuân Quang, người dân địa phương cho biết, ở khu Trại Hà, phường Yên Thọ có 310 hộ dân với trên 1.200 nhân khẩu thì có 168 hộ thường xuyên lưu thông trên tuyến đường này. Tuy nhiên, do tuyến đường bị xuống cấp đã gây nhiều khó khăn cho việc di chuyển, nhất là vào dịp đầu năm mới, dịp có lễ kỷ niệm, nhiều đoàn vào dâng hương ở miếu Mỏ…
"Bà con rất mong muốn cơ quan chức năng sớm đầu tư, nâng cấp tuyến đường này để thuận tiện lưu thông, phát triển kinh tế", ông Quang nói.
Trao đổi với PV, ông Hoàng Văn Đệ, Bí thư Đảng ủy phường Yên Thọ cho biết, tuyến đường từ quốc lộ 18 vào khu Trại Hà do Xí nghiệp Địa chất Đông Triều đầu tư đổ bê tông từ năm 2003, đến năm 2015 được duy tu, sửa chữa. Tuy nhiên, do một thời dài có nhiều xe vận tải lưu thông đã khiến nhiều đoạn đường bị vỡ nát, hư hỏng, rất nguy hiểm cho người và phương tiện.
"Hiện nay, quy hoạch mở rộng tuyến phố Tôn Thất Bật đã được phê duyệt với quy mô rộng 9m với kinh phí khoảng 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu dùng ngân sách địa phương thì không biết bao giờ tuyến đường mới có thể triển khai được", ông Đệ nói.
Thông tin thêm, ông Đệ cho biết, qua làm việc với đơn vị của TKV, được biết tập đoàn đang cân đối để bố trí nguồn lực đầu tư khu di tích, trong đó có mở rộng tuyến đường. Chính quyền địa phương sẽ khẩn trương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng khi dự án được phê duyệt.
Trao đổi với PV, Phó bí thư Đoàn Than Quảng Ninh Trần Tuấn Đạt cho biết: Khu di tích miếu Mỏ mang một ý nghĩa lớn với lịch sử ngành than - khoáng sản Việt Nam. Đồng thời, có ý nghĩa lớn trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho thợ mỏ qua các thế hệ nói riêng, người dân nói chung. Hàng năm, tuổi trẻ toàn ngành đều về đây dâng hương như một nét đẹp truyền thống, tri ân các bậc tiền nhân khai sinh ra ngành than Việt Nam và những người thợ mỏ đã hy sinh vì sự nghiệp sản xuất than.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận