Thời sự Quốc tế

Lãnh đạo Boeing có bị truy tố hình sự sau 2 vụ tai nạn máy bay khiến gần 350 người chết?

02/06/2024, 09:50

Khả năng truy tố lãnh đạo Boeing đã được Bộ Tư pháp Mỹ đã thông báo tới gia đình các nạn nhân trong hai vụ tai nạn máy bay Boeing 737MAX xảy ra vào năm 2018 và 2019.

Ngày 2/6, Reuters dẫn nguồn tin cho biết, trong cuộc họp với gia đình các nạn nhân hai vụ tai nạn máy bay khiến 346 người thiệt mạng vào năm 2018 và 2019, Bộ Tư pháp Mỹ đã thông báo các lãnh đạo của Boeing khó có khả năng bị truy tố trách nhiệm hình sự vì hai vụ việc này. 

Lý do là vì khoảng thời hạn tiến hành truy tố kéo dài tối đa 5 năm khả năng cao đã hết. 

Giới chức Bộ Tư pháp Mỹ cho biết cơ quan này không thể chứng minh cáo buộc gian lận hoặc ngộ sát liên quan đến quá trình sản xuất các bộ phận của máy bay xảy ra tai nạn.

Vụ tai nạn máy bay Boeing 737 Max 8 tại Ethiopia đã khiến toàn bộ 157 người thiệt mạng vào năm 2019. Trước đó 1 năm cũng xảy ra tai nạn Boeing 737 Max 8 tại Indonesia khiến 189 người thiệt mạng. (Ảnh: Reuters)

Vụ tai nạn máy bay Boeing 737 Max 8 tại Ethiopia khiến toàn bộ 157 người thiệt mạng vào năm 2019. Trước đó 1 năm cũng xảy ra tai nạn Boeing 737 Max 8 tại Indonesia khiến 189 người thiệt mạng. (Ảnh: Reuters)

Trước đó, tháng 1/2021, Boeing đã đạt được Thỏa thuận dàn xếp giải quyết vụ việc để tránh bị truy tố hình sự (DPA) với Bộ Tư pháp Mỹ, cho phép Boeing miễn trừ truy tố hình sự trong 3 năm về các cáo buộc âm mưu gian dối khi che giấu lỗi thiết kế máy bay – vốn là nguyên nhân dẫn đến 2 vụ tai nạn này. 

Đổi lại, Boeing phải trả 2,5 tỷ USD tiền phạt và bồi thường cho chính phủ, các hãng hàng không và quỹ hỗ trợ nạn nhân.

Dù vậy chỉ hai ngày trước khi thỏa thuận kết thúc, một chiếc máy bay Boeing 737MAX đã gặp sự cố bung cửa giữa trời, gây ra những quan ngại về vấn đề an toàn kỹ thuật của Boeing, kéo theo hàng loạt cuộc điều tra nhằm vào tập đoàn.

Do đó, Bộ Tư pháp Mỹ nghi ngờ Boeing đã vi phạm thỏa thuận DPA kể trên. 

Trước thông tin này, Boeing tuyên bố đã tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận và mong muốn được phản hồi Bộ Tư pháp. Thời hạn cho Boeing đưa ra các quan điểm trái chiều về kết luận vi phạm DPA do Bộ Tư pháp công bố là ngày 13/6.

Về phía Bộ Tư pháp Mỹ, cơ quan này đang cân nhắc liệu có truy tố hình sự Boeing hay gia hạn thỏa thuận DPA thêm một năm. Các bên cũng có thể ký kết một thỏa thuận DPA mới hoặc đưa ra thỏa thuận không truy tố vụ việc, không đặt dưới sự giám sát của tòa án.

Boeing cũng có thể phải đối mặt với các cáo buộc vi phạm trong thời gian ba năm của thỏa thuận DPA. Trong đó, các quan chức của Bộ Tư pháp Mỹ cũng có thể đàm phán thỏa thuận nhận tội với Boeing về cáo buộc gian lận năm 2021 hoặc đưa công ty ra tòa vì cáo buộc này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.