Phát biểu trong cuộc phỏng vấn với CNN ngày 7/4, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tuần tới, ông Kishida nhấn mạnh: "Chúng ta đang chứng kiến Nga giao tranh với Ukraine, tình hình căng thẳng tại Trung Đông và Đông Á.
Chúng ta đang phải đối mặt với thời khắc chuyển mình lịch sử. Đó chính là lý do Nhật Bản quyết định tăng cường năng lực phòng vệ và đã có sự thay đổi lớn về chính sách an ninh trên mặt trận này".
Tuyên bố của ông Kishida được minh chứng rõ rệt bằng việc kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2021, ông đã đẩy mạnh chi tiêu quốc phòng thêm khoảng 2% GDP nước này cho đến năm 2027.
Nhật Bản cũng đã bắt đầu mua sắm thêm các loại vũ khí có khả năng tấn công đáp trả thay vì chỉ có khả năng phòng vệ như trước đây.
"Các nước láng giềng của chúng tôi có nước thì đang phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, có nước thì tăng cường năng lực quốc phòng một cách mờ ám. Đó là chưa kể những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng trên Biển Đông và Hoa Đông", ông Kishida nêu rõ.
Thủ tướng Nhật Bản bày tỏ tin tưởng tầm quan trọng của quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật Bản sẽ luôn được công nhận rộng rãi, bất chấp những khác biệt về đảng phái: "Quan hệ Mỹ - Nhật Bản đang trở nên ngày càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết bất chấp kết quả cuộc bầu cử sắp tới có như thế nào đi chăng nữa. Tôi cho rằng, điều quan trọng là cần phải làm cho người dân Mỹ nhận thức được tầm quan trọng mối quan hệ 2 nước".
Ông Kishida cũng ủng hộ quan điểm, an ninh châu Âu và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có mối liên kết chặt chẽ với sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho Ukraine và quan điểm cứng rắn của các nước G7 nhằm vào Nga.
Theo ông Kishida, mối liên kết này ngày càng chặt chẽ hơn giữa bối cảnh quân đội Nga – Trung Quốc tiến hành tập trận chung trong khu vực, trong khi Triều Tiên bị các quốc gia G7 cáo buộc tuồn vũ khí cho Nga sử dụng trong chiến dịch quân sự đặc biệt với Ukraine.
Ông Kishida cho biết, Chính phủ Nhật Bản đã tiến hành "các biện pháp tiếp cận cấp cao" với mong muốn được gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để giải quyết "những vấn đề còn tồn đọng" và thúc đẩy quan hệ bền vững giữa 2 quốc gia.
"Vào thời điểm này, điều quan trọng nhất là phải phát đi một thông điệp cứng rắn với Triều Tiên và Trung Quốc rằng hòa bình, ổn định và thịnh vượng của cộng đồng quốc tế chỉ có thể được đảm bảo thông qua việc duy trì trật tự thế giới tự do, cởi mở dựa trên luật pháp quốc tế.
Chúng ta cũng cần hợp tác với họ để xây dựng cộng đồng quốc tế mạnh mẽ không bị chia rẽ và đối đầu. Tôi tin rằng, việc hợp tác với Mỹ và các đồng minh sẽ giúp thúc đẩy sự tiến bộ của cộng đồng quốc tế", ông Kishida kết luận.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận